- Dù có hiệu quả sử dụng vốn rất yếu, thấp hơn cả tiền gửi tiết kiệm kỳ hạn ngắn, Công ty Phú Xuân vẫn liên tiếp trúng thầu, trong đó có 2 dự án cảng biến lớn nhất nước là Dự án Cảng Liên Chiểu và Dự án Cảng cửa ngõ quốc tế Hải Phòng với tổng giá trị 6.000 tỷ đồng.
Bến cảng Liên Chiểu |
Trúng thầu hàng nghìn tỷ
Công ty Cổ phần Tư vấn và Xây dựng Phú Xuân là doanh nghiệp “quen mặt” với các gói thầu xây dựng quy mô lớn.
Gần đây nhất, vào ngày 8/12/2022, Công ty Phú Xuân trong Liên danh Phú Xuân – Công ty TNHH Hàng hải Sao Mai – Công ty TNHH Cơ giới Mỹ Dung đã trúng “Gói thầu CM-XL01 Thi công nạo vét và vận chuyển chất nạo vét đi đổ đoạn từ phao số "0" đến thượng lưu cảng CMIT” của chủ đầu tư là Ban Quản lý Dự án Hàng hải.
Giá gói thầu là 1.020 tỷ đồng. Giá trúng thầu là 952 tỷ đồng. Thời gian thực hiện là 490 ngày.
Trước đó không lâu, vào ngày 22/11/2022, Công ty Phú Xuân đã trúng Gói thầu thi công xây dựng công trình - Dự án Đầu tư xây dựng Bến cảng Liên Chiểu, thành phố Đà Nẵng trị giá 2.945 tỷ đồng của chủ đầu tư là Ban Quản lý các dự án đầu tư cơ sở hạ tầng ưu tiên thành phố Đà Nẵng.
Đáng chú ý, trong liên danh thực hiện dự án nói trên, Công ty Phú Xuân là nhà thầu được chú ý hơn cả, bởi thời điểm đầu năm 2022, trong vai trò liên danh, Công ty Phú Xuân và CTCP Tư vấn Xây dựng Công trình Thuỷ đã trúng Gói thầu EC:
Khảo sát toàn bộ dự án; thiết kế và thi công xây dựng cầu cảng, nạo vét, kè sau cầu, san lấp, đường bãi thuộc bước 1, thuộc dự án Dự án đầu tư xây dựng các bến container số 3 và số 4 thuộc Cảng cửa ngõ quốc tế Hải Phòng (tại Khu bến cảng Lạch Huyện), TP. Hải Phòng, do Công ty Cổ phần Cảng Hải Phòng làm chủ đầu tư, với giá trúng thầu hơn 3.106,3 tỷ đồng (giá gói thầu 3.108,2 tỷ đồng).
Việc tham gia vào 2 gói thầu xây dựng của 2/3 cảng biển lớn nhất Việt Nam có tổng giá trị khoảng 6.000 tỷ đồng đã khẳng định được phần nào vị thế “ông lớn” của Công ty Phú Xuân trong lĩnh vực thầu xây dựng cảng biển.
Thống kê từ khoảng năm 2016 – 2022, Công ty Phú Xuân đã tham gia 34 gói thầu, trong đó trúng 32 gói, trượt 1 gói, 1 gói chưa có kết quả với tổng giá trị trúng thầu xấp xỉ 12.552 tỷ đồng. Trong đó, nhiều gói thầu có liên quan đến cảng biển.
Đơn cử, Công ty Phú Xuân đã trúng 3/3 gói thầu tại Công ty cổ phần cảng Chân Mây với tổng số tiền gần 386 tỷ đồng; 2/2 gói thầu của Ban Quản lý Dự án Hàng hải, tổng số tiền 1.688 tỷ đồng; 2/2 gói thầu tại Ban quản lý các dự án đường thủy, tổng giá trị trúng thầu 623 tỷ đồng.
Hiệu quả sử dụng vốn rất thấp
Công ty Cổ phần Tư vấn và Xây dựng Phú Xuân được thành lập tháng 12/2006 tại TP. Hà Nội. Sau nhiều lần thay đổi, tới ngày 8/7/2022, vốn điều lệ Công ty Phú Xuân đạt tăng lên 1.500 tỷ đồng, ông Nguyễn Quốc Mến (SN 1984) đảm nhiệm vai trò Tổng giám đốc kiêm người đại diện pháp luật công ty.
Theo giới thiệu, Phú Xuân là doanh nghiệp có nhiều kinh nghiệm trong lĩnh vực xây dựng công trình cảng và đường thủy của Bộ Giao Thông.
Việc thực hiện nhiều dự án lớn góp phần đưa về cho Công ty Phú Xuân doanh thu lên đến hàng nghìn tỷ đồng mỗi năm trong giai đoạn 2017 – 2021. Thế nhưng, hiệu quả sử dụng vốn của doanh nghiệp này rất thấp khi lợi nhuận hàng năm còn thấp hơn nhiều so với lãi suất tiền gửi ngân hàng.
Trong năm 2021, bất chấp Covid-19, Phú Xuân vẫn ghi nhận doanh thu tăng trưởng tốt, tăng vọt từ 2.427 tỷ đồng lên 4.209 tỷ đồng. Trước đó, từ 2017 đến 2019, doanh thu công ty lần lượt là 2.285 tỷ đồng, 1.713 tỷ đồng và 2.312 tỷ đồng.
Doanh thu ngàn tỷ nhưng lợi nhuận sau thuế của Phú Xuân rất mỏng, chỉ gần 15 tỷ đồng (năm 2017), 9 tỷ đồng (năm 2018), 16 tỷ đồng (năm 2019), 16 tỷ đồng (năm 2020) và 17 tỷ đồng (năm 2021).
Tại ngày 31/12/2021, vốn chủ sở hữu của Công ty Phú Xuân đạt 1.085 tỷ đồng. Như vậy, biên lợi nhuận ròng năm 2021 chỉ đạt 0,4%; ROE (lợi nhuận ròng/vốn chủ sở hữu) chỉ là 1,6%.
Có thể nói, các chỉ tiêu này hoàn toàn không tương xứng với quy mô doanh thu và hiệu quả hoạt động của doanh nghiệp.