- Tại Việt Nam, kinh tế xanh và phát triển bền vững đã được quan tâm từ sớm. Trong chiến lược tăng trưởng xanh của Việt Nam, năng lượng tái tạo (NLTT) là một cấu phần quan trọng.
TS. Nguyễn Anh Tuấn, TBT Tạp chí Nhà đầu tư |
Tiến sĩ Nguyễn Anh Tuấn, Tổng biên tập tạp chí Nhà đầu tư/nhadautu.vn cho biết cho biết, so với các Dự thảo trước đây, Dự thảo Quy hoạch điện VIII vừa được trình Chính phủ vào ngày 11/11/2022 (dưới đây gọi tắt là Dự thảo) đã có những điều chỉnh thể hiện rõ hơn vai trò và lộ trình phát triển các nguồn năng lượng tái tạo theo tinh thần Nghị quyết 55 ngày 11/02/2020 của Bộ Chính trị về “Định hướng chiến lược phát triển năng lượng quốc gia đến năm 2030, tầm nhìn 2045”, là: “Phát triển đồng bộ, hợp lý và đa dạng hóa các loại hình năng lượng; ưu tiên khai thác, sử dụng triệt để và hiệu quả các nguồn năng lượng tái tạo, năng lượng mới, năng lượng sạch…”.
Mặc dù Dự thảo mới đã có những điều chỉnh đáng kể so với các dự thảo trước đây, nhưng nhiều ý kiến cho rằng, vẫn còn những vấn đề cần được quan tâm nghiên cứu, thảo luận làm rõ để năng lượng tái tạo không bị “lỡ nhịp”, phát triển tương xứng với tiềm năng, lợi thế của nước ta, đóng góp tích cực vào đảm bảo an ninh năng lượng và giảm thiểu phát thải nhà kính.
Phát biểu tại Toạ đàm, ông Phạm Nguyên Hùng, Phó Cục trưởng Cục Điện lực và Năng lượng tái tạo, Bộ Công Thương cho biết
việc phát triển NLTT đã bổ sung kịp thời nguồn điện trong bối cảnh các nhà máy nhiệt điện than chậm tiếp độ, Các nguồn điện NLTT phân tán cung cấp hiệu quả cho phụ tải điện tại chỗ, giảm tổn thất truyền tải, giúp khai thác có hiệu quả các vùng đất khô cằn, hiệu quả sản xuất nông nghiệp thấp; nâng cao nhận thức của người dân đối với các nguồn điện năng lượng tái tạo, huy động nguồn vốn trực tiếp từ người dân tham gia đầu tư điện mặt trời mái nhà; bổ sung nguồn ngân sách đáng kể cho các địa phương có tiềm năng; huy động nguồn lao động sẵn có tại địa phương.
Về thông tin nhà đầu tư rất quan tâm là cơ chế giá cho các dự án NLTT chuyển tiếp, ông Phạm Nguyên Hùng cho biết cuối tháng 11 Bộ Công Thương sẽ ban hành khung giá điện cho các dự án điện năng lượng tái tạo chuyển tiếp.
Trước đó, ngày 3/10/2022, Bộ Công Thương đã ban hành Thông tư 15 về nguyên tắc xây dựng khung giá cho các dự án điện mặt trời, điện gió chuyển tiếp. Dự kiến từ ngày 25-30 tháng 11/2022, Bộ Công Thương sẽ thẩm định xong và ban hành khung giá cho các dự án điện mặt trời, điện gió chuyển tiếp. Trên cơ sở khung giá, EVN đàm phán với các chủ đầu tư. Hiện có khoảng 4.000 MW đối tượng chuyển tiếp điện gió và điện mặt trời.
Ông Phạm Minh Hùng - Phó Vụ trưởng Vụ Kinh tế Công nghiệp, Bộ Kế hoạch và Đầu tư cho biết hiện nay, các tổ chức, các nhà đầu tư trong và ngoài nước rất quan tâm đến các cơ chế chính sách phát triển NLTT trong thời gian tới nên việc nghiên cứu xây dựng cơ chế chính sách sẽ phải đẩy nhanh hơn nữa để có thể triển khai thực hiện ngay sau khi Quy hoạch điện VIII (với các mục tiêu, kế hoạch phát triển NLTT) được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt.
Đối với thu hút đầu tư phát triển dự án năng lượng tái tạo, việc phát triển mạnh mẽ của điện mặt trời, điện gió trong thời gian qua cho thấy nếu có quy hoạch các dự án NLTT và cơ chế giá điện NLTT hợp lý thì sẽ thu hút được rất nhiều nhà đầu tư, thậm chí quy mô công suất NLTT được quy hoạch và bổ sung quy hoạch còn chưa đáp ứng hết các đề xuất đầu tư của các nhà đầu tư và các địa phương.
Ông Nguyễn Văn Vy, Phó Chủ tịch Hiệp hội Năng lượng Việt Nam cho biết trước đây thường có quan điểm giá NLTT đắt hơn các nguồn khác và cần được hỗ trợ nhưng gia đoạn vừa rồi giá than và LNG tăng nhanh, trong khi nhờ khoa học công nghệ phát triển, giá các nguồn NLTT dần thấp hơn và có tính cạnh tranh hơn. Cần nhấn mạnh là xu hướng này sẽ tiếp tục trong tương lai.
Giải pháp phát triển nguồn vốn cho năng lượng tái tạo. Ảnh: Internet. |
Ông Nguyễn Đức Cường, chuyên gia cao cấp về năng lượng, Công ty CP Tập đoàn Năng lượng T&T cho biết sau nhiều ngày chờ đợi cơ chế mới, ngày 3/10/2022, Bộ Công Thương đã ban hành Thông tư số 15 quy định về phương pháp, trình tự xây dựng và ban hành khung giá phát điện cho các nhà máy điện mặt trời mặt (trên mặt đất, nổi), nhà máy điện gió (trong đất liền, trên biển).
Theo thông tư này các tổ chức, cá nhân tham gia triển khai đầu tư nhà máy hoặc phần nhà máy điện mặt trời, điện gió đã ký kết hợp đồng mua bán điện với Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) trước ngày 1/1/2021 và ngày 1/11/2021 nhưng không đáp ứng điều kiện áp dụng giá FIT sẽ tham gia cơ chế chuyển tiếp để tiến hành đàm phán giá điện, hợp đồng mua bán điện với EVN trong khung giá phát điện thống nhất. Hiệu lực thi hành của thông tư này từ ngày 25/11/2022, do vậy, khung giá phát điện chưa thể có ngay và vẫn phải chờ quy trình xây dựng, thẩm định và phê duyệt để làm cơ sở cho đàm phán giá điện.