- Điều gì sẽ xảy ra nếu lạm phát không quay trở lại mức 2%, và thay vào đó tăng lên ở ngưỡng cao hơn, chẳng hạn như 3%? Đó là khi mọi thứ bắt đầu trở nên đáng sợ.
Fed: Lạm phát 3% đáng quan ngại hơn nhiều so với ngưỡng 8% (Ảnh minh họa) |
Kết thúc cuộc họp chính sách tháng 11 vào ngày 2/11, Fed chính thức tăng lãi suất thêm 75 điểm cơ bản lần thứ tư liên tiếp. Tiếp đó, cơ quan này phát đi tín hiệu rằng họ có thể nâng lãi suất trong tháng 12 và tháng 2/2023 nhưng với quy mô nhỏ hơn, phù hợp với mong muốn thị trường.
Theo đó, Fed mong muốn lạm phát sẽ giảm từ 8% xuống còn 2%, còn tỷ lệ thất nghiệp chỉ tăng khiêm tốn lên 4,5%.
Tuy nhiên, nền kinh tế Mỹ sẽ phải đối mặt với những thứ đáng sợ hơn nếu lạm phát không quay về mức mục tiêu 2% mà “neo đậu” ở ngưỡng 3%.
Chủ tịch Fed Jerome Powell chỉ có một công cụ được thị trường tín nhiệm để kiềm chế sự leo thang của giá cả, đó là lãi suất.
Nhưng, môi trường kinh tế hiện tại xuất hiện nhiều điều mới mẻ cũng như những sự kiện bất thường, không chắc chắn. Cụ thể, người tiêu dùng vẫn chi tiêu mạnh tay bất chấp giá hàng hóa và dịch vụ trở nên đắt đỏ hơn.
Một số chỉ báo gợi ý rằng lạm phát đang đi xuống. Tuy nhiên, các tín hiệu khác lại cho thấy nền kinh tế Mỹ vẫn còn quá nóng, ví dụ như sự gia tăng số việc làm mới trong tháng 9.
Trong nhiều năm trước, các Ngân hàng Trung ương đều nỗ lực kéo lạm phát lên mức 2%, và bây giờ cần bao nhiêu lâu để đưa lạm phát xuống mức 2% là câu hỏi chưa có câu trả lời. Dòng chảy thương mại toàn cầu đã chậm lại, nhưng giá năng lượng khó lòng đi xuống chừng nào cuộc chiến ở Ukraine còn tiếp diễn.
Viện Brookings dự đoán, hệ quả của đại dịch Covid-19 sẽ tiếp tục khiến 4 triệu người không có việc làm, điều này khiến nước Mỹ kém năng suất hơn và làm gia tăng chi phí y tế quốc gia.
Thêm vào đó, các quan chức của Fed cho biết, tốc độ tăng trưởng kinh tế tưởng chừng có vẻ quá nóng nhưng thực chất lại thấp hơn ước tính trước đó.
Ảnh minh họa |
Đáng chú ý, đối với một Ngân hàng Trung ương, kịch bản ác mộng là khi lạm phát giảm về ngưỡng cao hơn mục tiêu và tiếp tục duy trì trạng thái đi ngang. Khi đó, đường đi nước bước về chính sách sẽ khó khăn, “mù mờ” hơn nhiều.
Một trong những lựa chọn khả dĩ của Fed là tiếp tục thắt chặt chính sách. Nhưng mỗi lần tăng lãi suất sẽ làm gia tăng áp lực lên người đi vay và kéo thị trường chứng khoán đi xuống.
Theo lý thuyết, Fed không có nhiệm vụ phải quan tâm đến thị trường chứng khoán, nhưng nếu tài sản trên giấy tờ của giới nhà giàu Mỹ bốc hơi thì chính sách tiền tệ có thể biến thành vấn đề chính trị.
Lựa chọn khác là điều chỉnh mục tiêu lạm phát.
Một số quan chức từng cho rằng, giá cả nên tăng khoảng 2% mỗi năm nhưng ý tưởng này thực ra mang tính ngẫu nhiên nhiều hơn là khoa học.
Con số mục tiêu 2% nói trên lan truyền chóng mặt trong giới hoạch định chính sách tiền tệ sau khi được Ngân hàng Trung ương New Zealand áp dụng vào năm 1990. Tới năm 2012, Fed cũng gia nhập “đường đua 2%".
Thế nhưng, việc xóa bỏ mục tiêu cũ có thể khiến công chúng nghĩ Fed đã thất bại. Giới chức Fed lo ngại rằng việc này sẽ khiến kỳ vọng của người tiêu dùng bị xáo trộn, dẫn đến việc người lao động ngày càng đòi được trả lương cao hơn, thúc đẩy giá cả tăng nhanh hơn.
Powell và các đồng nghiệp của ông vẫn có thể tránh được tình thế tiến thoái lưỡng nan này.
Người tiêu dùng có thể sẽ siết chặt ví lại khi tiền tiết kiệm sụt giảm. Các đợt tăng lãi suất có thể gây ra suy thoái.
Tuy những điều này sẽ gây ra nỗi đau lớn cho nền kinh tế nhưng điểm lợi là sẽ giúp kéo lạm phát đi xuống nhanh chóng, như những gì đã xảy ra trong quá khứ.