- Năm 2021, Sao Thái Dương bị nghi trục lợi từ Covid-19 với sản phẩm Kovir. Cùng năm, Sao Thái Dương ghi nhận lợi nhuận sau thuế tăng gấp 2,7 lần so với cùng kỳ. Tuy nhiên, so với doanh thu, mức lợi nhuận này là rất mỏng khi chỉ đạt 0.85%.
Ảnh minh họa |
Sao Thái Dương bị nghi trục lợi từ Covid-19
Covid-19 xuất hiện từ năm 2020 nhưng tại Việt Nam, tới năm 2021, đại dịch này mới thực sự ảnh hưởng nặng nề. Giữa Covid-19, thuốc, thiết bị vật tư y tế trở thành những sản phẩm “nóng”. Đã có đơn vị lợi dụng dịch bệnh tăng giá sản phẩm để trục lợi.
Công ty cổ phần Sao Thái Dương (Công ty Sao Thái Dương) là một trong những đơn vị dính lùm xùm.
Cụ thể, năm 2021, viên nang Kovir của Công ty Sao Thái Dương gây xôn xao dư luận vì nghi ngờ bị thổi giá gấp nhiều lần.
Ngày 24/7/2021, sản phẩm Kovir lọt vào danh sách 12 loại thuốc được liệt kê tại hướng dẫn sử dụng thuốc cổ truyền và các sản phẩm từ dược liệu trong phòng, hỗ trợ điều trị Covid-19, đính kèm Công văn số 5944/BYT-YDCT của Bộ Y tế.
Ngay sau đó, sản phẩm này tăng giá chóng mặt, từ dưới 200.000 đồng/hộp lên tới cả triệu đồng mỗi hộp.
Tuy nhiên, chỉ sau đó 2 ngày, tới sáng 26/7, Thứ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Trường Sơn đã ký văn bản thu hồi công văn này do một số nội dung không phù hợp.
Cùng với đà tăng của Kovir, sản phẩm khác của Sao Thái Dương cũng tăng giá chóng mặt. Đó là Nobel tăng cường miễn dịch. Trước đó, giá 1 hộp Nobel miễn dịch tại các cửa hàng thuốc chỉ 300.000 đồng/hộp nhưng giữa đại dịch Covid-129, sản phẩm này vọt lên 1,25 triệu đồng.
Lãi mỏng, phải thu khách hàng lớn
Trong khi chờ đợi cơ quan chức năng công bố kết luận về vấn đề này, Sao Thái Dương có bức tranh tài chính tăng trưởng với lợi nhuận sau thuế tăng đột biến.
Cụ thể, năm 2021, doanh thu bán hàng và cung cấp dịch vụ Công ty CP Sao Thái Dương đạt gần 970 tỷ đồng, tăng 16% so với cùng kỳ. Sau khi trừ chi phí, lợi nhuận sau thuế của doanh nghiệp đạt 8,3 tỷ đồng, tăng 5,3 tỷ đồng, tương đương 177% so với năm 2020.
Tuy lợi nhuận tăng khá cao, nhưng so với doanh thu, biên lợi nhuận ròng của Sao Thái Dương vẫn rất mỏng khi chỉ đạt 0.85%. Có nghĩa với 100 đồng doanh thu, công ty chỉ thu về 0.85 đồng lợi nhuận. Mức lợi nhuận này là rất thấp khi so sánh với biên lãi ròng trung bình ngành dược (9.2%) và các doanh nghiệp cùng ngành như Traphaco hay Bidiphar.
Nhìn vào tình hình kinh doanh, lợi nhuận có thể còn cao hơn nữa nếu Sao Thái Dương không bất ngờ mạnh tay chi tiêu.
Năm 2021, trong khi chi phí bán hàng chỉ tăng từ 265 tỷ đồng lên 277 tỷ đồng thì chi phí quản lý doanh nghiệp lại tăng 124 tỷ đồng, tương đương 270% lên 170 tỷ đồng. Trong khi đó, phải thu ngắn hạn của khách hàng tăng cao 30,8 tỷ đồng, tương đương 56,5% so với cuối năm 2020 lên 85,3 tỷ đồng.
Nợ lớn
Công ty cổ phần Sao Thái Dương thành lập ngày 24/5/2002 tại Lô CC1-III.13.4 thuộc dự án khu đô thị mới Pháp Vân - Tứ Hiệp, phường Hoàng Liệt, quận Hoàng Mai, Thành phố Hà Nội. Ngành nghề kinh doanh chính của công ty là “Sản xuất thuốc, hoá dược và dược liệu”.
Ngoài viên nang Kovir, Sao Thái Dương còn rất nhiều sản phẩm khác như: thực phẩm bảo vệ sức khỏe (viên uống Rocket, viên xương khớp Cây đa...) và mỹ phầm dược liệu (sữa tắm Tây Thi, dầu gội đầu Thái Dương...).
Tổng giám đốc kiêm người đại diện pháp luật của Sao Thái Dương là ông Nguyễn Hữu Thắng.
Ngày 22/11/2018, vốn điều lệ của Sao Thái Dương tăng từ 100 tỷ đồng lên 150 tỷ đồng. Tuy nhiên, do lợi nhuận mỏng nên tới ngày 31/12/2021, vốn chủ sở hữu của công ty mới chỉ tăng nhẹ lên 183 tỷ đồng.
Vốn tăng trưởng chậm nhưng nợ phải trả tại Sao Thái Dương lại khá cao, đạt 600 tỷ đồng hồi cuối năm 2021, cao gấp 3,3 lần so với vốn chủ sở hữu và chiếm 76,6% tổng nguồn vốn công ty.
Công ty dùng đòn bẩy tài chính khá nhiều. Vay và nợ thuê tài chính ngắn hạn tăng từ 285 tỷ đồng lên 320 tỷ đồng, vay và nợ thuê tài chính dài hạn tăng từ 95,4 tỷ đồng lên 112 tỷ đồng.