- Những quan ngại về sức khỏe tài chính của gã khổng lồ ngân hàng Thụy Sĩ Credit Suisse cuối tuần qua đã khiến thị trường lo lắng về một cuộc khủng hoảng khác tương tự như sự sụp đổ của Lehman Brothers vào năm 2008 sẽ xảy ra trong thời gian tới.
“Sẽ không có sự sụp đổ Lehman Brothers thứ hai” |
Nhiều lời đồn đại cho rằng, vị thế vốn của Credit Suisse đang gặp rủi ro lớn khi giá cổ phiếu lao xuống mức thấp kỷ lục mới trong phiên hôm qua (3/10). Ngoài ra, chi phí bảo hiểm cho trường hợp nhà băng này vỡ nợ trái phiếu đã tăng vọt lên mức cao nhất trong hai năm qua.
Cổ phiếu của Credit Suisse tại phiên hôm qua chạm ngưỡng thấp mới là 3,7 USD/cổ phiếu trước khi tăng trở lại trên 4 USD/cổ phiếu vào thời điểm đóng cửa giao dịch. Giá trị cổ phiếu ngân hàng này đã sụt giảm đến 60% trong năm nay và sắp tới sẽ ghi nhận mức giảm hàng năm lớn nhất kể từ khi thành lập.
Mặc dù giá cổ phiếu giảm và chi phí hợp đồng hoán đổi rủi ro tín dụng (CDS) của ngân hàng tăng mạnh trong ngày 3/10 nhưng giới chuyên gia vẫn nhận định, không có khả năng Credit Suisse thất bại.
Thậm chí, bất chấp những lời đồn về một “Lehman Brothers” thứ hai, hầu hết các nhà chuyên gia trên Phố Wall đều bác bỏ khả năng sẽ xảy ra một vụ nổ trên thị trường tài chính khiến toàn bộ hệ thống rung chuyển.
Ngân hàng Credit Suisse |
James Angel, Giáo sư Tài chính tại Trường Kinh doanh McDonough thuộc Đại học Georgetown, cho biết: “Tình hình hiện tại đang rất khác so với 2008 khi mọi người bất ngờ nhận ra thiệt hại sâu rộng trên khắp hệ thống tài chính. Tuy thị trường ngày nay cũng đang trải qua những “nhận thức đau đớn” trong bối cảnh suy thoái cận kề nhưng hiện tại không hề có bất kỳ vấn đề hệ thống lớn nào ảnh hưởng tới tất cả mọi người như năm 2008”.
Hơn nữa, các ngân hàng ngày nay cũng bị giám sát chặt chẽ hơn nhiều so với thời kỳ khủng hoảng tài chính toàn cầu. Ông Angel cho hay, phí CDS của Credit Suisse tăng cao bởi nhà đầu tư tin rằng nếu xuất hiện một ngân hàng gặp rủi ro vốn thì chắc chắn sẽ có thêm những ngân hàng khác như vậy.
Ông nói thêm: “Chúng tôi không khuyên nhà đầu tư chớp thời cơ mua cổ phiếu Credit Suisse, nhưng cho rằng một sự kiện quy mô như “khoảnh khắc Lehman” khó có thể xảy ra”.
Theo các chuyên gia, trường hợp tồi tệ nhất sẽ là Credit Suisse nộp đơn xin phá sản. Sự kiện này sẽ tạo ra tác động lan tỏa tiêu cực lên hệ thống tài chính khi rủi ro của phía đối tác trở thành vấn đề lớn.
Thế nhưng, trước khi điều trên xảy ra, ngân hàng sẽ phải đạt đến mức độ không thể cấp vốn cho tài sản của mình. Theo trường hợp này, câu hỏi lớn nhận được sẽ là các nhà quản lý định phản ứng như thế nào? Nhiều khả năng Credit Suisse sẽ bị buộc phải tái cấp vốn – có thể bằng cách vay tiền qua hệ thống cho vay chiết khấu của Ngân hàng Trung ương.
Trong quá khứ, các tổ chức tài chính gặp rắc rối thường cố điều chỉnh tỷ lệ vốn bằng cách bán tài sản hoặc sáp nhập với một tổ chức khác. Biện pháp cuối cùng để ngăn chặn một cuộc phá sản sẽ là một giải pháp do chính phủ thiết kế tương tự như năm 2008.
Khi đó, Ngân hàng Trung ương Thụy Sĩ can thiệp bằng cách cấp vốn khẩn cấp cho những ngân hàng như UBS (lúc đó Credit Suisse huy động vốn từ khu vực tư nhân).