- Các nước thành viên Liên minh châu Âu đang chạy đua để đi đến một thỏa thuận chung về việc áp giá trần lên mặt hàng dầu thô của Nga. Tuy nhiên, nhiều khả năng vấn đề này sẽ bị trì hoãn cho đến khi một lệnh trừng phạt mới được thông qua.
Kế hoạch áp giá trần lên dầu Nga của EU tạm trì hoãn (Ảnh minh họa) |
Theo đó, EU đang nỗ lực đưa ra một loạt các biện pháp trừng phạt cứng rắn hơn sau tuyên bố của Tổng thống Nga Vladimir Putin vào tuần trước. Trong đó, đề xuất của EU bao gồm mức giá mà các đồng minh sẽ áp đặt cho dầu thô của Nga đang được nhanh chóng hoàn thiện.
Đặc biệt, việc áp giá trần này phải có hiệu lực trước ngày 5/12, thời điểm lệnh cấm nhập khẩu dầu Nga qua đường biển của toàn khối chính thức được triển khai.
Tuy nhiên, phương án này vấp phải sự phản đối của đảo Síp (Cyprus) và Hungary. Theo thường lệ, các biện pháp trừng phạt của EU muốn được thông qua thì cần phải có sự nhất trí của tất cả các nước thành viên.
Bên cạnh đó, một số biện pháp cấm vận khác đang được thảo luận bao gồm kiểm soát nhập khẩu kim cương và cấm một số sản phẩm thép của Nga. Ngoài ra, 27 quốc gia thành viên cũng gần như ủng hộ đề xuất hạn chế xuất khẩu các linh kiện điện tử được sử dụng trong vũ khí sang Nga.
Ảnh minh họa |
Vào tháng 6 vừa qua, 27 quốc gia của khối đã tranh luận về các điều khoản liên quan tới cấm vận dầu mỏ trong nhiều tuần liên tiếp. Cụ thể, EU đã bàn bạc về lệnh cấm nhập khẩu dầu qua đường biển, miễn trừ dầu giao qua đường ống và cấm cung cấp các dịch vụ, chẳng hạn như bảo hiểm cho hàng hóa của Nga.
Thế nhưng, về phía Mỹ, quốc gia này đã và đang mong muốn châu Âu nới lỏng hàng loạt lệnh cấm trên vì lo ngại một số biện pháp đó có thể dẫn đến sự tăng vọt của giá dầu toàn cầu.
Song song đó, mức độ hiệu quả của giá trần vẫn chưa được chứng minh khi mà những khách hàng lớn nhất của Nga, bao gồm Trung Quốc và Ấn Độ vẫn từ chối tham gia.
Các quan chức Mỹ lập luận rằng, áp đặt giá trần vẫn có thể hoạt động ngay cả khi những người mua không tham gia liên minh. Những quốc gia này có thể sử dụng cơ sở giá trần làm đòn bẩy trong các cuộc đàm phán với Moscow với mục đích mua được dầu giá tốt hơn.
Quan trọng hơn, việc áp giá trần sẽ yêu cầu các nước thành viên EU đặt lợi ích quốc gia sang một bên, vì sự đoàn kết của châu Âu.
Ở diễn biến khác, các quốc gia vận tải biển như Hy Lạp, Đảo Síp và Malta lại muốn bảo vệ ngành công nghiệp của mình khỏi những biện pháp trừng phạt.