- Nhiều Chính sách mới sẽ có hiệu lực ngày đầu tiên của tháng 10, tác động trực tiếp đến đời sống an sinh của nhân dân cũng như hoạt động sản xuất kinh doanh của một số doanh nghiệp.
Chính sách mới Quy định chi tiết một số điều của Luật An ninh mạng
Ngày 15/8/2022, Phó Thủ Tướng Vũ Đức Đam ban hành Nghị định 53/2022/NĐ-CP Quy định chi tiết một số điều của Luật An ninh mạng. Theo đó, Nghị định này Quy định chi tiết điểm a, b, c, d, đ, g, i, k, l khoản 1 Điều 5, khoản 4 Điều 10, khoản 5 Điều 12, khoản 1 Điều 23, khoản 7 Điều 24, khoản 2, 4 Điều 26, khoản 5 Điều 36 Luật An ninh mạng.
Cụ thể: Các biện pháp bảo vệ an ninh mạng: thẩm định an ninh mạng; đánh giá điều kiện an ninh mạng; kiểm tra an ninh mạng; giám sát an ninh mạng; ứng phó, khắc phục sự cố an ninh mạng; sử dụng mật mã để bảo vệ thông tin mạng; yêu cầu xóa bỏ thông tin trái pháp luật hoặc thông tin sai sự thật trên không gian mạng xâm phạm an ninh quốc gia, trật tự, an toàn xã hội, quyền và lợi ích hợp pháp của cơ quan, tổ chức, cá nhân; thu thập dữ liệu điện tử liên quan đến hoạt động xâm phạm an ninh quốc gia, trật tự, an toàn xã hội, quyền và lợi ích hợp pháp của cơ quan, tổ chức, cá nhân trên không gian mạng; đình chỉ, tạm đình chỉ hoặc yêu cầu ngừng hoạt động của hệ thống thông tin, thu hồi tên miền;
Căn cứ, trình tự, thủ tục xác lập và công tác phối hợp giữa các bộ, ngành chức năng có liên quan trong thẩm định, đánh giá, kiểm tra, giám sát, ứng phó, khắc phục sự cố an ninh mạng đối với hệ thống thông tin quan trọng về an ninh quốc gia;
Điều kiện an ninh mạng đối với hệ thống thông tin quan trọng về an ninh quốc gia;
Nội dung triển khai hoạt động bảo vệ an ninh mạng trong cơ quan nhà nước, tổ chức chính trị ở trung ương và địa phương;
Trình tự, thủ tục kiểm tra an ninh mạng đối với hệ thống thông tin của cơ quan, tổ chức, cá nhân không thuộc Danh mục hệ thống thông tin quan trọng về an ninh quốc gia theo các trường hợp được quy định tại khoản 1 Điều 24;
Việc lưu trữ dữ liệu và đặt chi nhánh hoặc văn phòng đại diện tại Việt Nam đối với các doanh nghiệp được quy định tại khoản 3 Điều 26;
Việc phân công, phối hợp thực hiện các biện pháp bảo vệ an ninh mạng, phòng ngừa, xử lý hành vi xâm phạm an ninh mạng trong trường hợp nội dung quản lý nhà nước liên quan đến phạm vi quản lý của nhiều bộ, ngành.
Chính sách mới về Bảo hiểm bắt buộc trong hoạt động đầu tư xây dựng có ảnh hưởng
Thông tư 50/2022/TT-BTC ngày 11/8/2022 (Đính kèm) của Bộ Tài chính hướng dẫn thực hiện một số điều của Nghị định số 119/2015/NĐ-CP ngày 13/11/2015 của Chính phủ quy định bảo hiểm bắt buộc trong hoạt động đầu tư xây dựng và Nghị định số 20/2022/NĐ-CP ngày 10/3/2022 sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 119/2015/NĐ-CP ngày 13/11/2015 của Chính phủ quy định bảo hiểm bắt buộc trong hoạt động đầu tư xây dựng.
Theo đó, Thông tư 50/2022/TT-BTC hướng dẫn quy tắc, điều khoản, biểu phí bảo hiểm và chế độ tài chính, chế độ báo cáo đối với bảo hiểm bắt buộc trong hoạt động đầu tư xây dựng bao gồm: Bảo hiểm bắt buộc công trình trong thời gian xây dựng; bảo hiểm bắt buộc trách nhiệm nghề nghiệp tư vấn đầu tư xây dựng; bảo hiểm bắt buộc đối với người lao động thi công trên công trường; bảo hiểm bắt buộc trách nhiệm dân sự đối với bên thứ ba.
Chính sách mới Hướng dẫn hoạt động thư viện lưu động và luân chuyển tài nguyên thông tin
Thông tư 05/2022/TT-BVHTTDL (Đính kèm) của Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch banh hành ngày 4/8/2022 về Hướng dẫn hoạt động thư viện lưu động và luân chuyển tài nguyên thông tin
Theo đó, Thông tư này hướng dẫn hoạt động thư viện lưu động và luân chuyển tài nguyên thông tin; trách nhiệm của tổ chức, cá nhân có liên quan đến hoạt động thư viện lưu động và luân chuyển tài nguyên thông tin.
Thông tư này áp dụng đối với thư viện công lập quy định tại điểm a Khoản 2 Điều 9 của Luật Thư viện, cơ quan, tổ chức, cá nhân tham gia hoặc có liên quan đến hoạt động thư viện lưu động và luân chuyển tài nguyên thông tin.
Khuyến khích thư viện ngoài công lập quy định tại điểm b Khoản 2 Điều 9 của Luật Thư viện thực hiện hoạt động thư viện lưu động và luân chuyển tài nguyên thông tin theo hướng dẫn tại Thông tư này.
Chính sách mới về bãi bỏ tỷ lệ nội địa hóa đối với ô tô
Ngày 10/8/2022 Bộ trưởng Bộ Khoa học và Công Nghệ ban hành Thông tư số 11/2022/TT-BKHCN (Đính kèm) bãi bỏ các văn bản quy phạm pháp luật do Bộ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ ban hành quy định về phương pháp xác định tỷ lệ nội địa hóa đối với ô tô.
Theo đó, Bãi bỏ toàn bộ các văn bản quy phạm pháp luật tác động tục tiếp đến chính sách tỷ lệ nội địa hóa ô tô. Cụ thể:
Quyết định số 28/2004/QĐ-BKHCN ngày 01/10/2004 của Bộ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ về phương pháp xác định tỷ lệ nội địa hóa đối với ô tô;
Quyết định số 05/2005/QĐ-BKHCN ngày 11/5/2005 của Bộ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ về việc sửa đổi, bổ sung Quyết định số 28/2004/QĐ-BKHCN ngày 01/10/2004 của Bộ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ về phương pháp xác định tỷ lệ nội địa hóa đối với ô tô;
Thông tư số 05/2012/TT-BKHCN ngày 12/3/2012 của Bộ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ về việc sửa đổi, bổ sung Điều 1 Quyết định số 05/2005/QĐ-BKHCN ngày 11/5/2005 của Bộ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ về việc sửa đổi, bổ sung Quyết định số 28/2004/QĐ-BKHCN ngày 01/10/2004 về phương pháp xác định tỷ lệ nội địa hóa đối với ô tô.