- Tuần vừa qua là một khoảng thời gian đầy tích cực đối với đại bộ phận người dân Mỹ khi nhắc tới dữ liệu lạm phát.
Những con số tích cực về kinh tế Mỹ liệu có kéo dài? (Ảnh minh họa) |
Báo cáo thống kê về giá hàng hóa nhập khẩu đã giúp nước Mỹ trải qua một tuần đầy phấn khởi khi hầu hết người tiêu dùng đều lo ngại về tình trạng giá cả tăng cao, đặc biệt trong tình thế Mỹ được dự đoán sẽ nhập khẩu hơn 4 nghìn tỷ USD hàng hóa cũng như dịch vụ trong năm 2022.
Hơn nữa, bất kỳ dấu hiệu nào cho thấy lạm phát suy yếu đều khiến người tiêu dùng Mỹ vui mừng bởi trong thời gian dài vừa qua, họ đều phải chi trả một khoản tiền lớn từ thực phẩm, nhiên liệu xăng xe đến vật dụng hàng ngày.
Xét cho cùng, mức giảm 1,4% trong tháng 7 là lần đầu tiên giá hàng hóa nhập khẩu đi xuống trong năm nay.
Ngoài ra, mức tăng giá bán buôn và bán lẻ đều giảm trong tháng 7. Chỉ số giá sản xuất (PPI) giảm 0,5%, trong khi chỉ số giá tiêu dùng (CPI), bao gồm thực phẩm và năng lượng, đi ngang so với tháng 6.
Thế nhưng, người tiêu dùng Mỹ được khuyên nên lưu tâm rằng, dù kết quả khảo sát của Cục Dự trữ New York cho thấy kỳ vọng về lạm phát giảm so với tháng trước đó nhưng hiện vẫn ở ngưỡng cao báo động.
Ở mặt khác, cuộc khảo sát về tâm lý người tiêu dùng của Đại học Michigan công bố ngày 13/8 cho thấy, niềm tin người tiêu dùng thường tỷ lệ thuận với diễn biến giá xăng và hiện đang tăng cao hơn dự báo nhưng vẫn ở gần mức thấp kỷ lục ghi nhận trong tháng 6.
Có thể thấy, những dữ liệu kể trên mang lại không ít sự lạc quan cho người dân Mỹ nhưng vẫn rất cần thận trọng trong từng quyết định. CPI, PPI vẫn tăng lần lượt 8,5% và 9,8% so với cùng kỳ năm ngoái.
Ảnh minh họa |
Krishna Guha, Trưởng bộ phận Chính sách toàn cầu và Chiến lược Ngân hàng Trung ương cho Evercore ISI, đã cảnh báo về CPI rằng: “Mặc báo cáo CPI thể hiện quan điểm áp lực lạm phát cuối cùng có thể đã đạt đến đỉnh điểm, nhưng nên nhớ đây chỉ là một báo cáo”.
Chủ tịch Cục Dự trữ Liên bang Richmond Thomas Barkin cũng đưa ra bình luận tương tự vào hôm thứ Sáu tuần trước. Quan chức của Ngân hàng Trung ương Mỹ chia sẻ, tin tức lạm phát như hiện tại “rất đáng hoan nghênh” nhưng ông không nhìn thấy động cơ nào phải giảm tốc quá trình tăng lãi suất của Fed, điều mà một số nhà kinh tế lo ngại sẽ kéo Mỹ vào cuộc suy thoái.
Theo FactSet, doanh số bán lẻ của Mỹ được dự báo sẽ tăng nhẹ 0,2% trong tháng 7. Trái ngược với nhận định trên, Bank of America cho rằng, doanh số bán lẻ tại Mỹ sẽ ghi nhận mức giảm là 0,2%.
Joseph Brusuelas, nhà kinh tế trưởng tại RSM cho biết: “Các con số được công bố tuần qua dường như không làm lung lay ý định của Fed trong việc kìm hãm lạm phát xuống mức mục tiêu 2%. Chúng ta cần phải chờ đợi trong một vài tháng nữa trước khi những bằng chứng cho thấy lạm phát đang suy giảm một cách bền vững về ngưỡng mục tiêu 2% của Fed”.
Khi đó, người dân Mỹ mới thực sự được ăn mừng trọn vẹn.