Kinh tế Việt Nam được dự báo tăng trưởng 6% trong năm 2024

0
0

- Kinh tế Việt Nam được kỳ vọng đạt mức tăng trưởng 6% trong năm 2024 và 6,2% trong năm 2025, theo Báo cáo Triển vọng Phát triển Châu Á (ADO) tháng 4 năm 2024 vừa được công bố. 

Theo Báo cáo Triển vọng Phát triển Châu Á (ADO) tháng 4 năm 2024 vừa được Ngân hàng Phát triển Châu Á (ADB) công bố, ADB giữ nguyên dự báo trước đó về tăng trưởng kinh tế Việt Nam trong năm nay bất chấp những bất ổn kéo dài từ môi trường bên ngoài. Theo đó, kinh tế Việt Nam được kỳ vọng đạt mức tăng trưởng 6,0% trong năm 2024 và 6,2% trong năm 2025. 

Cũng theo báo cáo của ADB, nhu cầu toàn cầu suy giảm và lãi suất quốc tế cao đã tác động đến tăng trưởng của Việt Nam trong năm 2023. Tuy nhiên, việc chuyển hướng nhanh chóng sang chính sách tiền tệ hỗ trợ tăng trưởng và đầu tư công quy mô lớn là một trong những biện pháp then chốt được thực hiện để duy trì phục hồi tăng trưởng trong năm 2023. 

Sự phục hồi tương đối toàn diện trong các ngành công nghiệp chế biến xuất khẩu, dịch vụ và hoạt động ổn định của ngành nông nghiệp được kỳ vọng sẽ hỗ trợ cho đà phục hồi của Việt Nam. Dòng vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) và kiều hối tích cực, thặng dư thương mại được duy trì, tiêu dùng trong nước phục hồi, kích thích tài khóa được tiếp tục với chương trình đầu tư công đáng kể được coi là chìa khóa để thúc đẩy tăng trưởng trong năm 2024.

 

Sự trở lại dần của các đơn hàng mới và tiêu dùng đã vực dậy tăng trưởng của  ngành công nghiệp chế biến, chế tạo vào cuối năm 2023, và đà tăng có xu hướng mạnh hơn trong năm 2024. Ngành công nghiệp chế biến, chế tạo tăng trưởng 6,8% trong quý 1 năm 2024 so với mức giảm 0,5% cùng kỳ năm trước, đóng góp vào tốc độ tăng trưởng 6,3% của sản xuất công nghiệp. Lãi suất thấp hơn, các biện pháp tài khóa hỗ trợ tăng trưởng và khung pháp lý liên quan tới đất đai được cải thiện gần đây sẽ hỗ trợ ngành xây dựng. Tuy nhiên, tăng trưởng toàn cầu chậm và lãi suất điều hành toàn cầu vẫn ở mức cao có thể cản trở tăng trưởng của ngành công nghiệp chế biến xuất khẩu.

Lãi suất trong nước thấp, các biện pháp chính sách tài khóa và tăng lương sẽ thúc đẩy các dịch vụ tiêu dùng trong năm 2024. Doanh số bán lẻ trong quý 1 năm 2024 cao hơn 8,2% so với cùng kỳ năm 2022. Hoạt động kinh tế phục hồi, dù chậm nhưng sẽ thúc đẩy các dịch vụ logistic, trong khi chính sách thị thực cởi mở hơn sẽ thúc đẩy du lịch. Về tổng thể, ngành dịch vụ được dự báo sẽ tăng trưởng 7,7% trong năm 2024. Nhu cầu toàn cầu đối với hàng hóa nông nghiệp và các hiệp định thương mại tự do sẽ tiếp tục hỗ trợ xuất khẩu nông sản.

 

Chính sách tiền tệ sẽ theo đuổi mục tiêu kép là bình ổn giá và tăng trưởng, ngay cả khi không gian chính sách bị hạn chế. Tình trạng suy thoái dự kiến của nền kinh tế toàn cầu trong năm 2024 có thể kiềm chế giá dầu toàn cầu, từ đó làm giảm áp lực lạm phát. 

Lạm phát bình quân trong quý 1 năm 2024 đã giảm còn 3,8% so với mức cao hơn 4,2% cùng kỳ năm ngoái. Lạm phát được dự báo tăng nhẹ lên tới 4% trong năm 2024 và 2025. Mặc dù dự báo lạm phát vẫn dưới mức mục tiêu 4% - 4,5%, song áp lực trong ngắn hạn vẫn có thể tồn tại do những căng thẳng địa chính trị và sự gián đoạn của các chuỗi cung ứng toàn cầu.

Ông Shantanu Chakraborty, Giám đốc quốc gia ADB tại Việt Nam chia sẻ: “Kinh tế Việt Nam được kỳ vọng tăng trưởng với nhịp độ vững chắc trong năm nay và năm tới, bất chấp môi trường toàn cầu còn nhiều thách thức. Tuy nhiên, những bất ổn địa chính trị toàn cầu và các hạn chế mang tính cơ cấu của kinh tế trong nước có thể ảnh hưởng đến triển vọng này. Do đó, các biện pháp chính sách trong năm 2024 sẽ cần kết hợp các biện pháp hỗ trợ tăng trưởng ngắn hạn để đẩy mạnh nhu cầu trong nước với các giải pháp cải thiện cơ cấu trong dài hạn nhằm thúc đẩy tăng trưởng bền vững.”

Theo Báo cáo, nhu cầu toàn cầu suy yếu do phục hồi kinh tế chậm và việc trì hoãn bình thường hóa lãi suất ở Hoa Kỳ và các nền kinh tế phát triển khác, cùng với những căng thẳng địa chính trị đang tiếp diễn, có thể cản trở quá trình phục hồi hoàn toàn tăng trưởng dựa vào xuất khẩu của Việt Nam trong năm 2024. Để thúc đẩy tăng trưởng, cần có các biện pháp mạnh mẽ hơn để giải quyết những yếu kém về cơ cấu trong nước như sự phụ thuộc nhiều vào ngành công nghiệp chế biến xuất khẩu của các doanh nghiệp FDI, mối liên kết lỏng lẻo giữa các ngành công nghiệp chế biến xuất khẩu và phần còn lại của nền kinh tế, thị trường vốn non trẻ, sự phụ thuộc quá nhiều vào tín dụng ngân hàng, cũng như các rào cản pháp lý phức tạp đối với doanh nghiệp. 

Đầu tư công vẫn là một động lực cho tăng trưởng kinh tế của Việt Nam, và việc triển khai hiệu quả đầu tư công có ý nghĩa quan trọng để thúc đẩy tăng trưởng. Mặc dù Chính phủ đã thực hiện nhiều biện pháp nhằm đẩy nhanh đầu tư công và nâng cao hiệu quả thực thi, nhưng vẫn cần có các biện pháp mang tính hệ thống hơn nhằm cải thiện các quy trình pháp lý và quy định giảm bớt rào cản cho việc thực hiện dự án hiệu quả.

Minh Ngọc


Ý kiến bạn đọc


Công cụ hiệu quả trong cuộc chiến chống tin nhắn rác và cuộc gọi rác

(VnMedia) - Trong cuộc sống hiện đại số ngày nay, cuộc chiến chống lại các tin nhắn và cuộc gọi rác trở nên ngày càng gay gắt. Đối diện với sự quấy rối này, việc thúc đẩy sử dụng tên định danh đang nổi lên như một giải pháp tiềm năng...

Giá vàng bất ngờ tăng mạnh sau 2 phiên giảm sâu

(VnMedia) - Chốt phiên làm việc rạng sáng nay (2/5), giá vàng giao ngay tại thị trường New York đã bất ngờ bật tăng tới gần 31 USD/ounce sau 2 phiên giảm sâu trước đó.

Ủy ban Truyền thông liên bang Hoa Kỳ bỏ phiếu cấm Huawei, ZTE

(VnMedia) - Bất chấp việc bị ngăn cản tiếp cận các nhà cung cấp ở Hoa Kỳ, bao gồm cả Google và không thể có được chip tiên tiến mà không có giấy phép, Huawei đã tìm cách trở lại thị trường điện thoại thông minh toàn cầu.

Chính sách giáo dục có hiệu lực từ tháng 5 năm 2024

(VnMedia) - Quy chế thi KHKT; hướng dẫn vị trí việc làm lãnh đạo, chức danh nghề nghiệp chuyên ngành GDĐT trường ĐH... là chính sách GD có hiệu lực từ tháng 5/2024.

Tai nạn giao thông giảm trên cả 3 tiêu chí trong 5 ngày nghỉ lễ 30/4-1/5

(VnMedia) - Trong 5 ngày nghỉ lễ (từ ngày 27/4-1/5/2024), toàn quốc xảy ra 347 vụ tai nạn giao thông (TNGT), làm chết 138 người, bị thương 285 người. So với cùng kỳ nghỉ lễ năm 2023, TNGT đã giảm 9,16% số vụ, giảm 32,35% số người chết, giảm 1,38% số người bị thương.