- Tính đến ngày 26/2, toàn quốc đã có 7.542 cửa hàng kinh doanh bán lẻ xăng dầu đã thực hiện phát hành hóa đơn điện tử (HĐĐT) đối với từng lần bán hàng theo quy định (tăng 5.849 cửa hàng so với thời điểm 1/12/2023).
Có thêm 7.542 cửa hàng xăng dầu có hóa đơn điện tử từng lần bán
Thông tin với báo chí về tình hình áp dụng hóa đơn điện tử đối với hoạt động kinh doanh, Bộ Tài chính cho biết, tính đến ngày 26/02/2024, toàn quốc đã có 7.542 cửa hàng kinh doanh bán lẻ xăng dầu đã thực hiện phát hành HĐĐT đối với từng lần bán hàng theo quy định (tăng 5.849 cửa hàng so với thời điểm 01/12/2023). Nhiều địa phương có tỷ lệ triển khai đạt cao như: Bắc Ninh đạt 100%, Đăk Lăk đạt 97%, Thanh Hóa đạt 95%, Yên Bái đạt 91%, Nam Định đạt 89%, Hà Nội đạt 88%, Hải Dương đạt 88%, Bà Rịa - Vũng Tàu đạt 83%, Quảng Nam đạt 82%, Vĩnh Phúc đạt 81%,...
Cũng theo Bộ Tài chính, để thực hiện thành công việc áp dụng HĐĐT sau từng lần bán hàng đối với hoạt động kinh doanh bán lẻ xăng dầu, cần có sự vào cuộc quyết liệt của cả hệ thống chính trị tại địa phương tạo sự đồng thuận trong việc triển khai. Ngày 28/02/2024, Bộ Tài chính đã ban hành công văn số 2075/BTC-TCT gửi Bộ Công Thương, Bộ Khoa học và Công nghệ, Bộ Công an, Bộ Thông tin và Truyền thông, Ủy ban quản lý vốn Nhà nước tại doanh nghiệp phối hợp chỉ đạo các cơ quan, ban ngành thuộc và trực thuộc tại trung ương và địa phương căn cứ chức năng, nhiệm vụ chủ động phối hợp chặt chẽ với cơ quan thuế tích cực triển khai các giải pháp, biện pháp đồng bộ, quyết liệt, hiệu quả thúc đẩy các doanh nghiệp, cửa hàng kinh doanh bán lẻ xăng dầu trên địa bàn thực hiện được việc phát hành HĐĐT đối với từng lần bán hàng theo Nghị định số 123/2020/NĐ-CP, chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ tại Công điện số 1123/CĐ-TTg, Công điện số 1284/CĐ-TTg.
Đồng thời, Bộ Tài chính tiếp tục chỉ đạo Tổng cục Thuế chỉ đạo cơ quan thuế tại địa phương quyết liệt triển khai chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ về HĐĐT đối với kinh doanh bán lẻ xăng dầu theo đúng quy định, trong đó tập trung một số giải pháp.
Theo đó, tiếp tục đẩy mạnh và đa dạng hóa các biện pháp, giải pháp tuyên truyền đến người nộp thuế, các cửa hàng, doanh nghiệp kinh doanh xăng dầu quy định về phát hành hóa đơn điện tử theo từng lần bán hàng tại Nghị định số 123/2020/NĐ-CP của Chính phủ. Tăng cường công tác quản lý, kiểm tra giám sát, thúc đẩy việc triển khai phát hành hóa đơn điện tử theo từng lần bán hàng đối với hoạt động bán lẻ xăng dầu tại địa phương.
Làm việc cụ thể với từng doanh nghiệp, cửa hàng xăng dầu, các doanh nghiệp cung cấp giải pháp xác định cụ thể mức độ, khả năng đáp ứng việc triển khai HĐĐT theo từng lần bán hàng, có lộ trình thực hiện cụ thể, ưu tiên thực hiện ngay trước các cửa hàng đã được đầu tư trang bị cột bơm xăng dầu điện tử có tính năng truyền nhận thông tin đến máy tính.
Cục Thuế tham mưu UBND tỉnh, thành phố thành lập tổ công tác liên ngành kiểm tra việc triển khai áp dụng HĐĐT theo từng lần bán hàng tại các cửa hàng kinh doanh bán lẻ xăng dầu; tăng cường các hoạt động thanh tra, kiểm tra, và xử lý nghiêm theo quy định pháp luật đối với các trường hợp sai phạm, không thực hiện hoặc cố tình không thực hiện việc phát hành HĐĐT theo từng lần bán hàng đối với hoạt động bán lẻ xăng dầu theo chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ tại Công điện số 1284/CĐ-TTg.
Thương nhân đầu mối chịu trách nhiệm toàn diện trước pháp luật Quỹ Bình ổn giá xăng dầu
Liên quan đến các giải pháp quản lý Quỹ Bình ổn giá xăng dầu, Bộ Tài chính cũng cho biết, theo quy định hiện hành, Thương nhân đầu mối kinh doanh xăng dầu có nghĩa vụ trích lập Quỹ BOG; hạch toán và theo dõi riêng Quỹ BOG bằng tài khoản mở tại ngân hàng; chịu trách nhiệm toàn diện trước pháp luật về việc lựa chọn ngân hàng, quản lý và đảm bảo bảo toàn số dư Quỹ BOG. Đồng thời, Nghị định số 80/2023/NĐ-CP ngày 17/11/2023 của Chính phủ sửa đổi, bổ sung Nghị định số 95/2021/NĐ-CP ngày 01/11/2021 và Nghị định số 83/2014/NĐ-CP ngày 03/9/2014 của Chính phủ về kinh doanh xăng dầu đã quy định rõ: Ngân hàng thực hiện phong tỏa tài khoản Quỹ BOG của doanh nghiệp.
Tài khoản Quỹ BOG chỉ được sử dụng vào mục đích trích lập và chi sử dụng Quỹ BOG của doanh nghiệp theo thông báo điều hành giá xăng dầu của Bộ Công Thương. Định kỳ 6 tháng, trước ngày 15 tháng 8, ngày 15 tháng 02 hằng năm, thương nhân đầu mối kinh doanh xăng dầu có trách nhiệm gửi báo cáo kiểm toán (độc lập) chuyên đề về Quỹ BOG gửi về Bộ Tài chính, Bộ Công Thương.
Trường hợp thương nhân đầu mối kinh doanh xăng dầu không thực hiện hoặc thực hiện không đúng quy định về trích lập, chi sử dụng, kết chuyển Quỹ BOG hoặc không thực hiện kết chuyển Quỹ BOG thì xem xét, xử lý theo quy định về xử phạt vi phạm hành chính; Đối với những thương nhân đầu mối kinh doanh xăng dầu đã bị xử phạt vi phạm hành chính nhưng tái phạm nhiều lần đối với hành vi vi phạm các quy định về trích lập, chi sử dụng, kết chuyển Quỹ BOG hoặc không thực hiện kết chuyển Quỹ BOG theo quy định sẽ xem xét tạm dừng kinh doanh hoặc thu hồi Giấy xác nhận đủ điều kiện làm thương nhân đầu mối kinh doanh xăng dầu.
Yến Nhi