- Bà Dilma Rousseff - người đứng đầu Ngân hàng Phát triển Mới (NDB), mới đây cho biết các quốc gia thành viên BRICS sẽ vượt qua G7 về tỷ trọng trong GDP toàn cầu trong vòng 4 năm tới.
Phát biểu tại Hội nghị thượng đỉnh Chính phủ Thế giới ở Dubai, Chủ tịch của tổ chức cho vay đa quốc gia này cho biết, với việc bổ sung thêm các thành viên mới, tỷ trọng của nhóm BRICS trong sản lượng kinh tế toàn cầu sẽ tăng từ 35% hiện tại lên 40% vào năm 2028, trong khi của G7 nhóm nước phát triển sẽ giảm xuống còn 27,8%.
Bà Rousseff cũng lưu ý rằng tỷ trọng của BRICS trong thương mại toàn cầu đã tăng từ 37% năm 2016 lên 41% vào năm 2022, trong khi G7 chứng kiến vị thế của mình bị xói mòn khi tỷ trọng giảm từ 62% xuống 58%.
Nhóm BRICS gồm các nền kinh tế mới nổi, trước đây bao gồm Brazil, Nga, Ấn Độ, Trung Quốc và Nam Phi. Tuy nhiên, BRICS đã trải qua quá trình mở rộng lớn sau khi Ả-rập Xê-út, Iran, Ethiopia, Ai Cập và Các Tiểu vương quốc Ả-rập Thống nhất gia nhập nhóm vào tháng 1 năm nay.
Với việc bổ sung thêm 5 quốc gia mới, BRICS sẵn sàng kiểm soát hơn 40% sản lượng dầu thô toàn cầu, trong khi dân số của khối này sẽ lên tới gần 3,6 tỷ người - gần một nửa tổng dân số thế giới.
Ngân hàng NDB có trụ sở tại Thượng Hải được thành lập vào năm 2014 bởi Brazil, Nga, Ấn Độ, Trung Quốc và Nam Phi, với mục đích cung cấp vốn cho các dự án cơ sở hạ tầng và phát triển bền vững. Ngân hàng chính thức đi vào hoạt động kinh doanh vào năm 2015 và sau đó có sự tham gia của Bangladesh, Các Tiểu vương quốc Ả-rập Thống nhất, Ai Cập và Uruguay. Ả-rập Xê-út cũng đang đàm phán để trở thành thành viên.