- Hãng thông tấn RIA Novosti mới đây cho biết việc tịch thu tài sản của Nga, hiện đang bị phong tỏa ở phương Tây, có thể dẫn đến tổn thất tài chính lớn cho Mỹ và các đồng minh. Một số quốc gia, bao gồm Mỹ, Anh, Pháp và Đức, vẫn có những khoản đầu tư đáng kể vào Nga và những khoản đầu tư đó có thể bị mất.
Hãng tin RIA Novosti trích dẫn số liệu thống kê thu thập từ Liên minh Châu Âu (EU), G7, Australia và Thụy Sĩ đưa tin, tổng vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) vào nền kinh tế Nga của EU, G7, Australia và Thụy Sĩ lên tới 288 tỷ USD vào cuối năm 2022. Con số này gần tương đương với quy mô các nguồn quỹ của Nga đang bị phong tỏa và các quốc gia phương Tây hiện đang xem xét khả năng tịch thu.
Khoảng 300 tỷ USD dự trữ của Nga vẫn bị đóng băng ở phương Tây, hơn 200 tỷ USD trong số đó do EU nắm giữ, trong khi phần còn lại ở Mỹ. Dữ liệu được RIA trích dẫn cho thấy phần lớn tài sản mà Mỹ và các đồng minh có thể mất nếu họ tiếp tục thúc đẩy kế hoạch tịch thu tài sản của Nga do các quốc gia EU nắm giữ.
Hãng tin này cho biết tổng cộng, các thành viên của khối có tài sản trị giá 223,3 tỷ USD ở Nga tính đến cuối năm 2022. Síp chính thức nắm giữ hơn 98 tỷ USD, trong đó Hà Lan đứng thứ hai với tài sản 50,1 tỷ USD.
Đức đã đầu tư 17,3 tỷ USD vào nền kinh tế Nga, trong khi Pháp và Ý có lần lượt 16,6 tỷ USD và 12,9 tỷ USD. Tính đến cuối năm 2021, khoản đầu tư của Vương quốc Anh vào Nga lên tới 18,9 tỷ USD, hãng tin RIA của Nga cho biết thêm.
Thụy Sĩ dường như là một nhà đầu tư lớn khác vào nền kinh tế Nga với 28,5 tỷ USD, trong khi bản thân Mỹ có tài sản trị giá 9,6 tỷ USD ở Nga, theo hãng tin này. RIA không tiết lộ cách thức họ đưa ra được các con số ước tính về tài sản của các nước phương Tây nói trên.
Ngân hàng Trung ương Nga cung cấp số liệu FDI hơi khác tính đến ngày 1 tháng 1 năm 2022. Ngân hàng này ước tính con số của Síp là hơn 182 tỷ USD và nêu tên Hà Lan, Luxembourg, Đức và Pháp trong số các nhà đầu tư hàng đầu của EU vào Nga với tài sản trị giá nằm trong khoảng từ 23 tỷ USD đến 36 tỷ USD.
Ngân hàng này cũng ước tính khoản đầu tư của Ireland ở mức 34 tỷ USD và cho biết tính đến thời điểm đó, Vương quốc Anh đã đầu tư hơn 53 tỷ USD vào Nga. Ước tính đầu tư của Mỹ vào khoảng 6 tỷ USD.
Moscow đã cảnh báo phương Tây về khả năng trả đũa đối với bất kỳ hành động tịch thu tài sản bị đóng băng nào của nước này. “Tất nhiên, chúng tôi đã phân tích trước các bước trả đũa có thể xảy ra”, người phát ngôn Điện Kremlin Dmitry Peskov cho biết vào cuối tháng 12. Tuy nhiên, ông Peskov nói thêm rằng việc tịch thu tài sản nước ngoài ở Nga vào thời điểm đó chỉ có thể được xem xét trên lý thuyết.
Nga đã nhiều lần cảnh báo rằng việc Mỹ và các đồng minh tịch thu tài sản của họ sẽ bị coi là hành vi “trộm cắp”, vi phạm luật pháp quốc tế và làm suy yếu các đồng tiền dự trữ, hệ thống tài chính toàn cầu và nền kinh tế thế giới.
Mỹ và các quốc gia phương Tây khác đã áp đặt các lệnh trừng phạt chưa từng có lên Nga vì cuộc xung đột đang diễn ra ở Ukraine nhưng phần lớn các nước này lại chùn bước trước ý tưởng tịch thu khối lượng tài sản đáng kể của Moscow vốn đang bị đóng băng ở Bỉ và các nước EU khác ngay sau khi cuộc xung đột Nga-Ukraine bắt đầu.
Vào tháng 12, tờ Thời báo Tài chính (Financial Times) đưa tin rằng Washington đã bật đèn xanh cho các nhóm công tác từ các nước G7 tìm cách khai thác khả năng tịch thu 300 tỷ USD tài sản bị phong tỏa của Nga vào ngày 24 tháng 2 năm 2024, ngày kỷ niệm năm thứ hai kể từ ngày bắt đầu xung đột giữa Nga và Ukraine. Trong khi đó, đầu tháng này, Bloomberg cũng đưa tin ý tưởng này đã nhận được sự ủng hộ từ chính quyền Tổng thống Mỹ Joe Biden.