- Các chỉ tiêu an toàn nợ công tiếp tục được kiểm soát chặt chẽ, nằm trong giới hạn trần nợ được Quốc hội phê chuẩn, góp phần bồi đắp dư địa chính sách tài khóa.
Chiều 20/12, Cục Quản lý nợ và Tài chính đối ngoại (Cục QLN&TCĐN) - Bộ Tài chính tổ chức Hội nghị Tổng kết công tác năm 2023 và phương hướng nhiệm vụ năm 2024.
Trình bày Báo cáo tổng kết công tác năm 2023 của Cục QLN&TCĐN, bà Nguyễn Xuân Thảo, Phó Cục trưởng Cục QLN&TCĐN cho biết, năm 2023 là năm giữa nhiệm kỳ, có ý nghĩa quan trọng, tạo động lực cho việc hoàn thành các mục tiêu của Kế hoạch phát triển KT-XH giai đoạn 2021- 2025. Tuy nhiên, Việt Nam đã phải đối mặt với không ít rủi ro, thách thức từ bên ngoài, trong đó có những vấn đề vượt khỏi khả năng dự báo đã tác động xấu, ảnh hưởng nặng nề đến nền kinh tế. Trong bối cảnh đó, với sự chỉ đạo sát sao, quyết liệt của Lãnh đạo Bộ, sự phối hợp chặt chẽ, kịp thời của các đơn vị thuộc Bộ, cùng với sự chủ động, tích cực của tập thể cán bộ công chức Cục QLN&TCĐN, công tác quản lý nợ công, quản lý vốn viện trợ về cơ bản đã đạt được các mục tiêu, kế hoạch đã đặt ra từ đầu năm, góp phần vào thành tích chung của ngành tài chính.
Theo đó, các chỉ tiêu an toàn nợ công tiếp tục được kiểm soát chặt chẽ, nằm trong giới hạn trần nợ được Quốc hội phê chuẩn, góp phần bồi đắp dư địa chính sách tài khóa. Các chỉ tiêu an toàn nợ được kiểm soát chặt chẽ, nằm trong giới hạn được Quốc hội phê chuẩn, hiệu quả công tác quản lý nợ công, nợ Chính phủ trong năm 2023 tiếp tục được giữ vững.
Đến cuối năm 2023, dư nợ công khoảng 36,6% GDP, dư nợ Chính phủ khoảng 33,8% GDP, nghĩa vụ trả nợ trực tiếp của Chính phủ khoảng 18,8% thu ngân sách nhà nước.
Cơ cấu nợ thay đổi theo hướng tích cực, từ nợ nước ngoài là chính sang nợ trong nước là chính. Cơ cấu nợ Chính phủ đến cuối năm 2023 tiếp tục duy trì theo kế hoạch vay, trả nợ công 5 năm giai đoạn 2021-2025 và định hướng Chiến lược nợ công đến năm 2030 đã đề ra. Dư nợ trong nước tăng lên, chủ yếu là trái phiếu Chính phủ có kỳ hạn phát hành dài (trung bình khoảng 12,43 năm tính đến ngày 27/11/2023); các khoản nợ nước ngoài hiện còn dư nợ chủ yếu vẫn là lãi vay ODA, vay ưu đãi có thời hạn dài, góp phần giảm thiểu rủi ro tỷ giá, đảm bảo an ninh tài chính quốc gia.
Công tác quản lý, sử dụng nợ công tiếp tục được tăng cường, ngày càng hiệu quả hơn. Chiến lược nợ công đến năm 2030 đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt, là cơ sở quan trọng để tiếp tục cải cách công tác quản lý nợ công bền vững, hiệu quả. Công tác trả nợ nước ngoài cũng được thực hiện kịp thời, đầy đủ, trong phạm vi dự toán được duyệt.
Minh Ngọc