Dự kiến từ ngày 1/7/2024 sẽ thực hiện cải cách tiền lương, trong đó sẽ bãi bỏ lương cơ sở hiện hành.
Nghị quyết về dự toán ngân sách nhà nước năm 2024, Quốc hội quyết định, từ ngày 1/7/2024, thực hiện cải cách tổng thể chính sách tiền lương theo Nghị quyết 27/NQ-TW của Hội nghị lần thứ bảy Ban Chấp hành Trung ương khóa XII.
Quốc hội cũng quyết định điều chỉnh lương hưu, trợ cấp bảo hiểm xã hội, trợ cấp hằng tháng, trợ cấp ưu đãi người có công và một số chính sách an sinh xã hội đang gắn với mức lương cơ sở.
Như vậy, sẽ thực hiện đồng thời cải cách tiền lương và tăng lương hưu từ ngày 01/7/2024.
Bỏ lương cơ sở có ảnh hưởng gì đến công thức tính lương hưu?
Dự kiến từ ngày 01/7/2024 sẽ thực hiện cải cách tiền lương, trong đó sẽ bãi bỏ lương cơ sở hiện hành.
Theo Nghị quyết 27/NQ-TW, chính sách cải cách tiền lương sẽ điều chỉnh, thay đổi cơ cấu tiền lương của cán bộ, công chức, viên chức và lực lượng vũ trang; người lao động trong doanh nghiệp.
Trong đó, tiền lương của cán bộ, công chức, viên chức sẽ được thiết kế theo cơ cấu mới: Lương cơ bản (chiếm khoảng 70% tổng quỹ lương) và các khoản phụ cấp (chiếm khoảng 30% tổng quỹ lương). Bổ sung tiền thưởng (quỹ tiền thưởng bằng khoảng 10% tổng quỹ tiền lương của năm, không bao gồm phụ cấp).
Về công thức tính lương hưu
Công thức tính lương hưu được áp dụng theo Điều 56 Luật Bảo hiểm xã hội 2014 và Điều 7 Nghị định 115/2015/NĐ-CP như sau:
Lương hưu hằng tháng = Tỉ lệ hưởng hằng tháng x Mức bình quân tiền lương tháng đóng BHXH
Trong đó, tỷ lệ hưởng lương hưu hằng tháng như sau;
+ Đối với lao động nam đóng đủ 20 năm BHXH là 45%, sau đó, cứ thêm 01 năm đóng BHXH sẽ thêm 2%, nhưng tối đa là 75%.
+ Đối với lao động nữ đóng đủ 15 năm BHXH là 45%, sau đó, cứ thêm 01 năm đóng BHXH sẽ tăng 2%, nhưng tỷ lệ hưởng tối đa là 75%.
Mức bình quân thu nhập tháng đóng BHXH được tính bằng bình quân các mức thu nhập tháng đóng BHXH của toàn bộ thời gian đóng.
Người lao động có thời gian đóng BHXH cao hơn số năm tương ứng với tỷ lệ hưởng lương hưu 75%, khi nghỉ hưu, ngoài lương hưu người lao động còn được hưởng trợ cấp một lần.
Như vậy, nếu thực hiện cải cách tiền lương theo Nghị quyết 27/NQ-TW từ ngày 01/7/2024 như dự kiến thì công thức tính lương hưu có thể sẽ không thay đổi.
Ví dụ về cách tính lương hưu: Lao động nam đóng BHXH bắt buộc 30 năm, nghỉ hưu tháng 11/2023 khi đủ 60 tuổi 9 tháng, mức bình quân tiền lương tháng đóng BHXH là 3,5 triệu đồng/tháng. Thời gian đóng BHXH bắt buộc là 30 năm, tương ứng với tỷ lệ hưởng lương hưu là 65%. Như vậy, lương hưu hàng tháng sẽ bằng 3.500.000 đồng x 65% = 2.275.000 đồng/tháng. Mức lương hưu này cao hơn mức lương cơ sở 1.800.000 đồng/tháng.
Lương hưu thấp nhất từ 1/7/2024 khi bỏ lương cơ sở?
Mặc dù theo nội dung ở trên, công thức tính lương hưu sẽ không có thay đổi dù có bỏ lương cơ sở. Nhưng tại Điều 56 và Điều 71 Luật Bảo hiểm xã hội 2014 có quy định mức hưởng lương hưu thấp nhất khi tham gia BHXH bắt buộc là bằng mức lương cơ sở.
Hiện hành, mức lương cơ sở là 1.800.000 đồng, nên mức lương hưu thấp nhất là 1.800.000 đồng/tháng.
Do vậy, mà khi bỏ lương cơ sở thì cần có hướng dẫn để xác định mức hưởng lương hưu thấp nhất. (Hiện nay chưa có văn bản hướng dẫn)
Cũng đã đề cập ở trên, từ 01/7/2024 sẽ thực hiện đồng thời việc cải cách tiền lương và tăng lương hưu, vì vậy mức lương hưu thấp nhất cũng sẽ cao hơn mức 1.800.000 đồng/tháng.
Lương hưu có tăng khi thực hiện cải cách tiền lương?
Theo Nghị quyết 27/NQ-TW, hệ thống bảng lương mới theo vị trí việc làm, chức danh và chức vụ lãnh đạo thay thế hệ thống bảng lương hiện hành; chuyển xếp lương cũ sang lương mới, bảo đảm không thấp hơn tiền lương hiện hưởng.
Do đó, khi cải cách tiền lương thì mức lương đóng BHXH hàng tháng của công chức, viên chức cũng thay đổi. Mà theo công thức tính lương hưu đã nêu ở trên: Mức lương hưu được tính từ mức bình quân tiền lương tháng đóng BHXH và tỷ lệ hưởng lương hưu.
Vì vậy, khi mức bình quân tiền lương tháng đóng BHXH tăng thì mức lương hưu cũng sẽ tăng theo.
Theo Người lao động