- Trước thềm lên sàn UPCoM, Nova Consumer thua lỗ và cắt giảm nhân sự. Đáng chú ý, Nova Consumer còn cho công ty có vốn hơn 90 tỷ đồng vay số tiền lên đến 457 tỷ đồng.
Ảnh minh họa |
Thua lỗ, cắt giảm nhân sự
Sở Giao dịch Chứng khoán Hà Nội (HNX) vừa chấp thuận đăng ký giao dịch gần 119,8 triệu cổ phiếu NCG của Công ty cổ phần Tập đoàn Nova Consumer, thành viên của Tập đoàn Novaland.
Trước đó, trong tháng 3/2022, Nova Consumer đã hoàn tất đợt chào bán ra công chúng (IPO) 10,9 triệu cổ phiếu với giá chào bán là 44.000 đồng/CP, thu về 479,6 tỷ đồng.
Sau IPO, Nova Consumer có 251 cổ đông, trong đó có 250 cổ đông trong nước (nắm 99,97% vốn) và 1 tổ chức nước ngoài. 2 cổ đông lớn của Nova Consumer là Công ty cổ phần Thương mại Bảo Khang (65,61%) và Công ty cổ phần Đầu tư A.N.O.V.A (13,72%).
Tuy nhiên, trước thềm “lên sàn”, Nova Consumer có bức tranh tài chính không mấy sáng sủa.
Trong 6 tháng đầu năm 2023, doanh thu về bán hàng và cung cấp dịch vụ của Nova Consumer tăng nhẹ từ 2.232 tỷ đồng lên 2.279 tỷ đồng. Tuy nhiên, do giá vốn hàng bán tăng từ 1.864 tỷ đồng lên 1.932 tỷ đồng nên dù nỗ lực cắt giảm chi phí, Nova Consumer vẫn chứng kiến khoản thua lỗ 31 tỷ đồng dù cùng kỳ năm trước lãi 185 tỷ đồng.
Một nguyên nhân khác khiến Nova Consumer thua lỗ chính là doanh thu hoạt động tài chính giảm mạnh, giảm 170 tỷ đồng, tương đương 86,5% so với 6 tháng đầu năm 2022.
Cùng với thua lỗ là tài sản hao hụt mạnh. Tại ngày 30/6/2023, tài sản của Nova Consumer chỉ còn 4.888 tỷ đồng, giảm 259 tỷ đồng, tương đương 5% so với cuối năm 2022.
Cắt giảm nhân sự và nợ
Như đã nêu trên, trong kỳ, Nova Consumer nỗ lực tiết kiệm chi phí. Chi phí quản lý doanh nghiệp giảm từ 93,8 tỷ đồng xuống 84,7 tỷ đồng; chi phí bán hàng giảm từ 94,6 tỷ đồng xuống 84,7 tỷ đồng.
Một một trong những biện pháp tiết giảm chi phí và cắt giảm nhân sự. Tại ngày 30/6/2023, quy mô nhân sự của Nova Consumer chỉ còn 1.534 người, giảm 303 người, tương đương 16,5%.
Cùng với cắt giảm nhân sự là tình trạng nợ người lao động vẫn duy trì. Hồi cuối quý 2, chỉ tiêu phải trả người lao động tại Nova Consumer là 8,7 tỷ đồng. Con số này hồi cuối năm 2022 là 17,7 tỷ đồng. Theo Nova Consumer, con số 8,7 tỷ đồng là “Các khoản tiền lương và thưởng cho nhân viên chưa được chi trả tại cuối kỳ kế toán”.
Cùng với nợ lương là nợ thuế. Chỉ tiêu thuế và các khoản phải nộp Nhà nước đạt 26,8 tỷ đồng, tăng nhẹ so với 25,1 tỷ đồng hồi cuối năm 2022. Trong đó, thuế giá trị gia tăng hàng bán nội địa lên tới 7,8 tỷ đồng, thuế thu nhập doanh nghiệp phải nộp là 18,2 tỷ đồng.
Cho công ty vốn hơn 90 tỷ vay 457 tỷ
Như đã nêu trên, hồi cuối quý 2/2023, tổng tài sản của Nova Consumer suy giảm. Thế nhưng, các khoản phải thu ngắn hạn lại tăng từ 1.465 tỷ đồng lên 1.546 tỷ đồng. Trong đó, phải thu về cho vay ngắn hạn là 522 tỷ đồng. Đáng chú ý, phải thu với Công ty cổ phần Cụm công nghiệp Anova lên đến 457 tỷ đồng.
Cần phải nhấn mạnh, Nova Consumer chi hàng trăm tỷ đồng cho Cụm công nghiệp Anova vay dù “con nợ” có quy mô vốn rất thấp.
Cụm công nghiệp Anova thành lập ngày 15/1/2008 tại Cụm công nghiệp Long Định-Long Cang, Ấp 4, Xã Long Cang, Huyện Cần Đước, Tỉnh Long An với người đại diện pháp luật là ông Phan Quang Khang.
Dù có nhiều năm hoạt động nhưng Cụm công nghiệp Anova có chuỗi năm dài chỉ đạt doanh thu quanh mức 4-5 tỷ đồng. Trong giai đoạn 2017-2021, 2020 là năm duy nhất công ty này có lãi với 5 tỷ đồng. Thời gian còn lại, công ty lỗ 4,9 tỷ đồng (năm 2017), 14,3 tỷ đồng (năm 2018), 1,7 tỷ đồng (năm 2019) và 675 triệu đồng (năm 2021).
Quy mô vốn của Cụm công nghiệp Anova cũng khá khiêm tốn. Tại ngày 31/12/2021, vốn chủ sở hữu của công ty chỉ là 91,6 tỷ đồng. Trước đó, chỉ tiêu này chỉ đạt 34,6 tỷ đồng (năm 2017), -4,4 tỷ đồng (năm 2018), 31,2 tỷ đồng (năm 2019), 92,3 tỷ đồng (năm 2020).
Trong khi vốn thấp và suy giảm nhẹ, nợ của công ty lại tăng mạnh. Cuối năm 2021, chỉ tiêu nợ phải trả lên tới 1.018 tỷ đồng, tăng 427 tỷ đồng, tương đương 72,3% và cao gấp 11,2 lần vốn chủ sở hữu.