- Chỉ trong 3 năm từ 2020 đến 2022, tổng quy mô các giải pháp hỗ trợ doanh nghiệp (DN) là hơn 507.000 tỷ đồng, trong đó số tiền thuế được gia hạn là trên 352.000 tỷ đồng, và số tiền thuế được miễn, giảm là khoảng 155.000 tỷ đồng.
Ngày 20/10, Bộ Tài chính và Tổng cục Thuế tổ chức Hội nghị biểu dương người nộp thuế (NNT) tiêu biểu giai đoạn 2020 - 2022.
Chính sách tài khóa hỗ trợ kịp thời, đồng bộ
Trong bối cảnh khó khăn chung của nền kinh tế, đặc biệt là giai đoạn từ năm 2020 đến 2022, dịch Covid-19 bùng phát và kéo dài đã gây ra những ảnh hưởng tác động đến sự phát triển kinh tế - xã hội của đất nước. Hoạt động sản xuất, kinh doanh của DN, người dân bị đình trệ.
Trong bối cảnh dịch bệnh Covid-19 kéo dài, thị trường trong nước và xuất khẩu đều bị thu hẹp, hoạt động sản xuất kinh doanh bị ảnh hưởng nghiêm trọng… khiến DN và doanh nhân Việt Nam đã phải đứng trước những thách thức chưa từng có.
Trong giai đoạn khó khăn này, thông điệp “DN - động lực phát triển kinh tế của đất nước” luôn được Đảng, Nhà nước hết sức quan tâm và là mục tiêu và định hướng trong hầu hết các chính sách. Theo đó, Bộ Tài chính đã chủ động đề xuất, trình cấp có thẩm quyền và ban hành theo thẩm quyền nhiều giải pháp trong lĩnh vực tài chính, đặc biệt là những chính sách liên quan đến giãn, giảm, hoãn thuế, tiền thuê đất… để hỗ trợ kịp thời và giải quyết khó khăn cho cộng đồng DN và người dân.
Đó là các giải pháp chính sách về gia hạn, miễn, giảm các khoản thuế, phí, lệ phí và tiền thuê đất, miễn, giảm thuế thu nhập DN, thuế thu nhập cá nhân, thuế giá trị gia tăng, thuế nhập khẩu, thuế bảo vệ môi trường, cùng nhiều khoản phí, lệ phí để hỗ trợ DN, người dân và nền kinh tế. Tổng quy mô các giải pháp hỗ trợ năm 2020 khoảng 129 nghìn tỷ đồng, năm 2021 khoảng 145 nghìn tỷ đồng, năm 2022 khoảng 233 nghìn tỷ đồng.
Như vậy chỉ trong 3 năm từ 2020 đến 2022, tổng quy mô các giải pháp hỗ trợ DN là hơn 507.000 tỷ đồng, trong đó số tiền thuế được gia hạn là trên 352.000 tỷ đồng, và số tiền thuế được miễn, giảm là khoảng 155.000 tỷ đồng. Đây là một con số không hề nhỏ và có ý nghĩa như một khoản Nhà nước hỗ trợ trực tiếp cho người dân, DN giảm nghĩa vụ tài chính, ổn định sản xuất kinh doanh.
Mới đây nhất, năm 2023, với tinh thần đồng hành cùng DN, người dân vượt khó để phục hồi và phát triển kinh tế, Bộ Tài chính tiếp tục trình cấp có thẩm quyền và ban hành theo thẩm quyền các chính sách hỗ trợ với quy mô khoảng 196 nghìn tỷ đồng. Đồng thời, Bộ Tài chính đã trình Thủ tướng Chính phủ về giảm tiền thuê đất phải nộp của năm 2023. Dự kiến thực hiện giải pháp này, số tiền thuê đất được giảm nghĩa vụ năm 2023 là khoảng 3,5 nghìn tỷ đồng.
Với gói hỗ trợ chương trình phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội sau đại dịch, có thể khẳng định Nhà nước đã phản ứng chính sách nhanh đưa ra các chương trình hỗ trợ hết sức kịp thời, đồng bộ và nhanh chóng đi vào cuộc sống, từ đó đã góp phần quan trọng trong sự phục hồi, sự phát triển mạnh mẽ và đóng góp quan trọng thúc đẩy sự chuyển mình và cất cánh của nền kinh tế trong nước sau đại dịch.
Hơn thế, các chính sách tài khóa hỗ trợ người dân, DN là những quyết sách dài hơi, có tầm nhìn xa trông rộng, bởi vì đổi lại, nhờ hỗ trợ kịp thời, DN có thêm vốn để đầu tư phát triển, góp phần thúc đẩy kinh tế vĩ mô tăng trưởng, nâng cao sức cạnh tranh quốc gia, góp phần đưa Việt Nam trở thành quốc gia có tốc độ tăng trưởng kinh tế cao nhất Đông Nam Á.
Đẩy mạnh triển khai chiến lược cải cách hệ thống thuế
Thông qua hội nghị lần này, Tổng cục trưởng Tổng cục Thuế Mai Xuân Thành cho biết, ngành Thuế hướng tới tiếp tục cải cách toàn diện, điện tử hóa, số hóa theo mục tiêu lấy sự phục vụ người dân và DN ở mức hiệu quả cao nhất.
Trong các trụ cột chiến lược trong đó có một trụ cột là mối quan hệ giữa cơ quan thuế và NNT, ngành Thuế xác định một số nguyên tắc cơ bản:
Thứ nhất, nguyên tắc lấy NNT làm trung tâm, tức là chuyển từ tư duy quản lý sang tư duy phục vụ. Đây là quá trình chuyển đổi đòi hỏi ý thức của mỗi cán bộ, công chức ngành thuế phải kịp thời phục vụ hiệu quả, được sự đánh giá cao của NNT.
Thứ hai, hướng tới mục tiêu cải cách hiện đại hóa TTHC theo hướng đơn giản, thân thiện, hiệu quả, hiện đại. Điều này hướng tới chuẩn mực thuế quốc tế, nhằm nâng cao năng lực, hiệu quả quản lý cũng như hiệu quả phục vụ của cơ quan thuế.
Thứ ba, xây dựng các chương trình cùng với NNT nâng cao tính tự nguyện tuân thủ của NNT qua đó giảm chi phí quản lý hành chính và NNT giảm được sự kiểm tra, kiểm soát của cơ quan thuế.
Tổng cục trưởng Mai Xuân Thành chia sẻ, ngành Thuế tiếp tục đẩy mạnh áp dụng biện pháp quản lý thuế hiện đại để đảm bảo sự tôn nghiêm của pháp luật cũng như tạo sự bình đẳng trong việc chấp hành pháp luật về thuế.
Yến Nhi