- Tổng tài sản ròng tư nhân trên toàn thế giới đã giảm 2,4% xuống còn 454,4 nghìn tỷ USD vào cuối năm ngoái, theo một báo cáo chung của Credit Suisse và UBS được công bố trong tuần vừa rồi. Đây là sự sụt giảm đầu tiên kể từ cuộc khủng hoảng tài chính năm 2008.
Nghiên cứu cho thấy phần lớn trong số 11,3 nghìn tỷ USD giảm là do đồng USD tăng giá so với nhiều loại tiền tệ khác.
Các tài sản tài chính được cho là đóng góp nhiều nhất vào sự sụt giảm của cải vào năm 2022, trong khi các tài sản phi tài chính như bất động sản vẫn có khả năng phục hồi bất chấp lãi suất tăng nhanh. Cuộc khảo sát cho thấy tài sản của mỗi người trưởng thành giảm 3,6% xuống còn 84.718 USD.
Các khoản tài sản mất đi tập trung nhiều ở các khu vực giàu có hơn như Bắc Mỹ và Châu Âu, tổng cộng đã mất 10,9 nghìn tỷ đô la. Châu Á - Thái Bình Dương ghi nhận mức giảm 2,1 nghìn tỷ đô la, trong khi Mỹ Latinh là ngoại lệ với tổng tài sản tăng 2,4 nghìn tỷ đô la, được hỗ trợ bởi mức tăng giá trung bình 6% so với đồng đô la Mỹ.
Về mặt quốc gia, Mỹ đứng đầu danh sách thiệt hại, tiếp theo là Nhật Bản, Trung Quốc, Canada và Australia, các nhà nghiên cứu cho biết. Mức tăng tài sản lớn nhất được ghi nhận ở Nga, Mexico, Ấn Độ và Brazil.
Ông Nannette Hechler-Fayd’herbe - người đứng đầu bộ phận nghiên cứu và kinh tế toàn cầu tại Credit Suisse, cho biết: “Của cải tăng lên đã chứng tỏ khả năng phục hồi trong thời đại Covid-19 và tăng trưởng với tốc độ kỷ lục trong năm 2021. Nhưng lạm phát, lãi suất tăng và đồng tiền mất giá đã gây ra sự đảo ngược vào năm 2022”, ông Nannette Hechler-Fayd’herbe cho hay.
Báo cáo dự đoán rằng của cải toàn cầu sẽ tăng 38% trong 5 năm tới, đạt 629 nghìn tỷ USD vào năm 2027. Tăng trưởng ở các nước thu nhập trung bình sẽ là động lực chính của các xu hướng toàn cầu, báo cáo cho biết thêm.
Các nhà nghiên cứu cũng ước tính tài sản của mỗi người trưởng thành sẽ đạt 110.270 USD vào năm 2027, dự đoán rằng số lượng triệu phú sẽ đạt 86 triệu người trong khi số lượng cá nhân siêu giàu (UHNWIs) có thể sẽ tăng lên 372.000 người.