- Ngân hàng Phát triển Mới (NDB) do nhóm các quốc gia mới nổi trong nhóm BRICS thành lập cần tăng cường huy động vốn và cho vay bằng đồng nội tệ trong bối cảnh phương Tây trừng phạt cổ đông sáng lập Nga, Bộ trưởng Tài chính Nam Phi Enoch Godongwana đã nói như vậy với hãng tin Reuters.
Tuyên bố được đưa ra trong bối cảnh Nam Phi chuẩn bị tổ chức hội nghị thượng đỉnh các nhà lãnh đạo BRICS tại Johannesburg vào cuối tháng này. Theo Bộ trưởng Tài chính Enoch Godongwana, việc tăng cường sử dụng đồng nội tệ giữa các thành viên NDB sẽ nằm trong chương trình nghị sự, với mục đích giảm tác động của biến động ngoại hối thay vì phi đô la hóa.
Bộ trưởng Godongwana cho biết: “Hầu hết các quốc gia là thành viên của NDB đã khuyến khích việc cung cấp các khoản vay bằng đồng nội tệ. “Ngân hàng chưa làm được nhiều như các nước thành viên yêu cầu, nhưng đó là định hướng chiến lược mà chúng tôi đang thúc đẩy ngân hàng”, Bộ trưởng Tài chính Nam Phi nói thêm.
NDB có trụ sở tại Thượng Hải được thành lập vào năm 2014 bởi Brazil, Nga, Ấn Độ, Trung Quốc và Nam Phi với mục đích cung cấp vốn cho các dự án cơ sở hạ tầng và phát triển bền vững. Ngân hàng chính thức mở cửa hoạt động vào năm 2015 và sau đó có sự tham gia của Bangladesh, Các Tiểu vương quốc Ả-rập Thống nhất, Ai Cập và Uruguay. Ả-rập Xê-út cũng đang đàm phán để trở thành thành viên của ngân hàng này.
Giám đốc tài chính của NDB Leslie Maasdorp nói với Reuters rằng ngân hàng đặt mục tiêu tăng tỷ lệ cho vay bằng đồng nội tệ từ khoảng 22% lên 30% vào năm 2026. Tuy nhiên, ông lưu ý rằng có những giới hạn đối với việc phi đô la hóa.
Ông Maasdorp giải thích: “Đồng tiền hoạt động của ngân hàng là đô la vì một lý do rất cụ thể: đô la Mỹ là nơi có khả năng thanh khoản lớn nhất”. Ông Maasdorp nói thêm rằng, ngân hàng NDB sẽ đáp ứng nhanh cho các thành viên của mình và sẽ quyết định kết hợp các loại tiền tệ mà ngân hàng sử dụng dựa trên nhu cầu của họ.
Hãng tin Reuters trích dẫn báo cáo đầu tư tháng 4 của NDB cho biết, tổ chức tài chính này cho đến nay đã phê duyệt khoản vay tương đương hơn 30 tỷ USD với 2/3 khoản vay được cấp bằng đồng đô la Mỹ.
Các nhà phân tích cho rằng các biện pháp trừng phạt của Mỹ đối với Nga đã củng cố nhu cầu tăng cường huy động vốn bằng nội tệ của NDB và huy động vốn từ các thành viên mới, điều này có thể giúp cơ quan này cắt giảm sự phụ thuộc vào thị trường vốn của Mỹ.