- Bộ Công Thương yêu cầu các doanh nghiệp đầu mối kinh doanh xăng dầu phải thực hiện nghiêm túc đầy đủ tổng nguồn cung tối thiểu năm 2023 đã được phân giao.
Bộ Công Thương vừa ban hành Chỉ thị 09 về tăng cường, nâng cao hiệu quả công tác quản lý nhà nước về xăng dầu, bảo đảm nguồn cung xăng dầu...
Đảm bảo nguồn cung trong bối cảnh thị trường diễn biến phức tạp
Chỉ thị nêu rõ, thời gian qua, Bộ Công Thương đã chủ trì, phối hợp cùng các Bộ, ngành, cơ quan liên quan triển khai nhiều giải pháp nhằm bình ổn giá và đảm bảo nguồn cung xăng dầu cho thị trường nội địa. Nhờ tích cực triển khai các giải pháp và thực hiện các nhiệm vụ được Lãnh đạo Chính phủ giao, nguồn cung xăng dầu cho thị trường trong nước đến nay và dự báo các tháng cuối năm 2023 cơ bản được đảm bảo.
Tuy nhiên, trước tình hình diễn biến khó lường của một số yếu tố quốc tế như: Lệnh cấm của Liên minh châu Âu đối với các sản phẩm dầu tinh chế của Nga và việc OPEC+ quyết định giữ nguyên các biện pháp hạn chế sản lượng; Lạm phát vẫn ở mức cao khiến nhiều nền kinh tế lớn tiếp tục theo đuổi chính sách tiền tệ thắt chặt, lãi suất cao để đối phó với áp lực lạm phát; Kho dự trữ nhiên liệu của Mỹ giảm mạnh; Lo ngại về nguồn cung do chiến sự giữa Nga và Ukraine; Triển vọng kinh tế toàn cầu không chắc chắn... đã và đang ảnh hưởng đến giá bản lẻ xăng dầu và nguồn cung xăng dầu cho thị trường trong nước.
Trước bối cảnh trên, tại Chỉ thị 09, Bộ trưởng Bộ Công Thương yêu cầu các đơn vị, cơ quan chức năng liên quan thuộc Bộ Công Thương, Sở Công Thương các tỉnh/thành phố trực thuộc Trung ương, Hiệp hội Xăng dầu Việt Nam và các thương nhân đầu mối kinh doanh xăng dầu nghiêm túc triển khai các nhiệm vụ và giải pháp.
Cụ thể, Vụ Thị trường trong nước có trách nhiệm theo dõi chặt chẽ việc thực hiện tổng nguồn xăng dầu tối thiểu năm 2023 của các thương nhân đầu mối kinh doanh xăng dầu. Trong trường hợp cần thiết, chủ trì, phối hợp Cục Xuất nhập khẩu và các đơn vị có liên quan, kịp thời tham mưu Lãnh đạo Bộ điều chỉnh phân giao tổng nguồn xăng dầu tối thiểu, quy định cụ thể tiến độ nhập khẩu hoặc mua xăng dầu trong nước để thương nhân đầu mối thực hiện, xem xét giao bổ sung hạn mức nhập khẩu xăng dầu cho một số thương nhân đầu mối có năng lực để chủ động thực hiện, bảo đảm nguồn cung trong mọi tình huống.
Bên cạnh đó, phối hợp với các cơ quan thuộc Bộ Tài chính thực hiện công tác điều hành giá xăng dầu theo quy định. Phối hợp với các cơ quan thuộc Ngân hàng nhà nước Việt Nam đề xuất các giải pháp nhằm hỗ trợ các thương nhân đầu mối kinh doanh xăng dầu, thương nhân phân phối xăng dầu tiếp cận nguồn vốn, tạo nguồn và bảo đảm nguồn cung xăng dầu cho thị trường trong nước.
Vụ Thị trường trong nước cũng phối hợp chặt chẽ với Cục Xuất nhập khẩu, Vụ Dầu khí và Than của Bộ Công Thương và Cục Quản lý giá (Bộ Tài chính) theo dõi sát diễn biến thị trường xăng dầu thế giới và tình hình sản xuất trong nước để tham mưu điều hành giá xăng dầu theo đúng quy định; Phối hợp với Cục Thương mại điện tử và Kinh tế số vận hành ổn định Hệ thống cơ sở dữ liệu quản lý và điều hành xăng dầu quốc gia.
Tổng cục Quản lý thị trường tiếp tục thực hiện nghiêm các chỉ đạo của Bộ Công Thương về việc tăng cường kiểm tra, giám sát và kịp thời xử lý nghiêm các vi phạm trong kinh doanh xăng dầu.
Bên cạnh đó, chỉ đạo Cục Quản lý thị trưởng các tỉnh, thành phố phối hợp với Sở Công Thương địa phương triển khai các biện pháp nghiệp vụ, xây dựng phương án, kế hoạch, thực hiện kiểm tra thường xuyên, đột xuất đối với việc chấp hành pháp luật trong hoạt động kinh doanh xăng dầu của các doanh nghiệp; xử lý nghiêm các hành vi găm hàng chờ tăng giá, trục lợi trong hoạt động kinh doanh xăng dầu.
Tạo thuận lợi cho doanh nghiệp kinh doanh, cung ứng xăng dầu
Chỉ thị 09 cũng nêu rõ, Sở Công Thương các tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương Phối hợp với các đơn vị chức năng tại địa phương hướng dẫn hồ sơ, thủ tục, tạo thuận lợi cho các thương nhân trên địa bàn thực hiện hoạt động kinh doanh, cung ứng xăng dầu; giám sát hoạt động kinh doanh xăng dầu tại địa phương, bảo đảm các thương nhân tuân thủ đúng các quy định của pháp luật hiện hành; giám sát chất lượng xăng dầu trên địa bàn quản lý; giám sát thời gian bán hàng, giá bán lẻ xăng dầu của các cửa hàng bán lẻ xăng dầu trên địa bàn; không để xảy ra tình trạng cửa hàng xăng dầu dừng bán hàng không có lý do, gây thiếu hụt, đứt gẫy nguồn cung xăng dầu cục bộ trên địa bàn.
Bên cạnh đó, tạo điều kiện thuận lợi cho các doanh nghiệp kinh doanh xăng dầu trên địa bàn trong việc vận chuyển, lưu thông, phân phối xăng dầu và bảo đảm an ninh trật tự, cũng như trong công tác thanh tra, kiểm tra và giám sát hoạt động kinh doanh xăng dầu của các doanh nghiệp thuộc phạm vi và địa bàn quản lý.
Hiệp hội Xăng dầu Việt Nam có trách nhiệm chú trọng tăng cường công tác thông tin diễn biến tình hình thị trường xăng dầu thế giới đến các hội viên, bảo đảm các thông tin chính xác, kịp thời, góp phần tạo cơ sở định hướng cho hoạt động kinh doanh của các thương nhân kinh doanh xăng dầu. Quán triệt các hội viên nghiêm túc thực hiện đúng quyền, nghĩa vụ của thương nhân quy định tại Nghị định số 83/2014/NĐ-CP, Nghị định số 95/2021/NĐ-CP và các quy định khác của pháp luật có liên quan.
Đối với các thương nhân đầu mối kinh doanh xăng dầu có trách nhiệm thực hiện nghiêm túc, đầy đủ tổng nguồn xăng dầu tối thiểu năm 2023 đã được phân giao (cả về số lượng, chủng loại) để bảo đảm cung cấp liên tục xăng dầu cho các khách hàng. Song song với đó, chủ động nguồn hàng (cả nguồn trong nước và nhập khẩu), thực hiện việc dự trữ xăng dầu theo quy định, bảo đảm cung cấp đầy đủ xăng dầu cho thị trường trong nước trong mọi tình huống.
“Tuyệt đối không để gián đoạn nguồn cung xăng dầu trong hệ thống kinh doanh (từ đầu mối, thương nhân phân phối, doanh nghiệp bán lẻ). Trong mọi tình huống phải cung cấp đủ hàng cho cửa hàng bán lẻ thuộc hệ thống phân phối của doanh nghiệp để duy trì hoạt động bán hàng thường xuyên” – Chỉ thị nêu rõ.
Yến Nhi