- Đây là nhận định được ông Nguyễn Văn Khôi, Chủ tịch Hiệp hội Bất động sản Việt Nam đưa ra tại Hội thảo quốc tế "Tiềm năng phát triển thị trường bất động sản tại Việt Nam".
Theo đó, phát biểu tham luận tại hội thảo trên, ông Nguyễn Văn Khôi, Chủ tịch Hiệp hội Bất động sản Việt Nam cho biết, 6 tháng đầu năm 2023, thị trường bất động sản tiếp tục gặp nhiều khó khăn, trong tình trạng thanh khoản kém và nguồn cung rất hạn chế, chủ yếu do các vấn đề pháp lý chưa được tháo gỡ và việc tiếp cận nguồn vốn bị hạn chế.
Thêm vào đó, một số vụ việc xảy ra trong nửa cuối năm 2022 làm ảnh hưởng đến niềm tin của nhà đầu tư và nhìn chung, một số vấn đề “căn cơ” của thị trường chưa được giải quyết (pháp lý, nguồn cung khan hiếm, mất cân đối cung cầu)….
Ông Nguyễn Văn Khôi, Chủ tịch Hiệp hội Bất động sản Việt Nam |
Theo ông Chủ tịch Hiệp hội Bất động sản Việt Nam, hiện nay thị trường bất động sản Việt Nam khá đa dạng với nhiều phân khúc chuyên biệt. Riêng phân khúc bất động sản nhà ở, nhu cầu tăng trưởng, nhất là nhà ở xã hội, nhà ở thu nhập thấp tăng mạnh trong bối cảnh nguồn cung rất hạn chế.
Hiện nguồn cung nhà ở thương mại mới sụt giảm chủ yếu do việc siết chặt các thủ tục pháp lý của các dự án bất động sản, dòng vốn cho thị trường bị thu hẹp (NHNN chủ trương đẩy mạnh tín dụng vào các lĩnh vực ưu tiên, sản xuất kinh doanh trong khi kiểm soát chặt chẽ các khoản cấp tín dụng đối với lĩnh vực tiềm ẩn rủi ro, trong đó có đầu tư, kinh doanh bất động sản), phát hành trái phiếu doanh nghiệp minh bạch, chặt chẽ hơn…) cho nên 6 tháng đầu năm mới hoàn thành 25 dự án với khoảng 10.000 căn, đạt khoảng 50% so với 06 tháng cuối 2022.
Hiện đang triển khai xây dựng 659 dự án (đạt khoảng 60,4% so với 6 tháng cuối 2022). Đã được cấp phép mới khoảng 23 dự án (đạt khoảng 29,41% so với 6 tháng cuối 2022). Có 30 dự án đủ điều kiện bán nhà ở hình thành trong tương lai (số lượng dự án bằng khoảng 37,5% so với 6 tháng cuối năm 2022).
“Nguồn cung khá hạn chế trong khi nhu cầu đầu tư, mua sử dụng của người dân vẫn cao; các phân khúc nhà ở chung cư phân khúc trung bình và nhà ở xã hội hầu như không phát sinh lượng tồn kho.
Hiện lượng tồn kho bất động chủ yếu ở phân khúc căn hộ, nhà ở cao cấp, bất động sản du lịch, nghỉ dưỡng và các dự án ở vị trí có điều kiện hạ tầng không thuận lợi và thuộc về nhà đầu tư thứ cấp”, ông Chủ tịch Hiệp hội Bất động sản Việt Nam cho biết.
Quý 2/2024 thị trường mới hồi phục
Đáng chú ý, tại phần tham luận của mình, ông Chủ tịch Hiệp hội Bất động sản Việt Nam nêu ra một loạt nguyên nhân khiến thị trường bất động sản 6 tháng đầu năm đang “gặp khó”.
Thứ nhất, liên quan đến pháp luật về đất đai: Nhiều dự án gặp khó khăn, vướng mắc, triển khai chậm do quy định về phương pháp định giá đất. Nhiều trường hợp quy hoạch sử dụng đất đã được công bố nhưng chưa có kế hoạch sử dụng đất hàng năm của cấp huyện…
Thứ hai, nguyên nhân liên quan đến pháp luật về quy hoạch: Một số dự án có quy hoạch chi tiết 1/500 đã được phê duyệt nhưng không phù hợp với quy hoạch phân khu, tổng thể đang phải rà soát, điều chỉnh, cập nhật theo quy định.
Thứ ba, nguyên nhân liên quan đến pháp luật về đầu tư: Điều chỉnh tiến độ dự án, điều chỉnh chủ trương đầu tư theo quy định…
Thứ tư, về dòng vốn: Việc tiếp cận nguồn vốn vay của doanh nghiệp bất động sản vẫn không dễ dàng, chủ yếu do ba vấn đề là mức lãi suất cao, pháp lý dự án và niềm tin thanh khoản thị trường (lãi suất 11-12%/năm).
“Việc hạ, giảm lãi suất 0,5-2% trong thời gian qua là một nỗ lực rất lớn của Chính phủ và hệ thống ngân hàng. Động thái này đang có hiệu ứng tích cực mạnh mẽ lên nền kinh tế và các doanh nghiệp bất động sản.
Tuy nhiên, nếu rút ngắn thời gian dự án 1 năm có thể giúp doanh nghiệp tiết kiệm khoản lãi suất lên tới 12-15% chi phí vốn. Đó là chưa kể tiết kiệm chi phí tiền lương, máy móc thiết bị,… cho cả năm”, ông Khôi nói.
Đề cập đến xu hướng phát triển của thị trường bất động sản Việt Nam trong thời gian tới, ông Khôi cho rằng, dự báo thị trường bất động sản Việt Nam hết năm 2023 còn trầm lắng, chỉ có thể phục hồi, phát triển lành mạnh hơn, minh bạch hơn và chuẩn mực hơn từ quý 2 hoặc quý 3/2024 nhờ những bước tiến về môi trường pháp lý; triển vọng tăng trưởng kinh tế khả quan; sự phát triển hạ tầng đồng bộ, hiện đại; xu hướng chuyển đổi số và ứng dụng công nghệ của CMCN 4.0; sự đa dạng của các nguồn lực tài chính...
“Các phân khúc truyền thống (nhà ở, khu công nghiệp, nghỉ dưỡng, văn phòng…), dự báo sản phẩm trên thị trường bất động sản sẽ ngày càng đa dạng hơn, nhất là nguồn cung nhà ở sẽ gia tăng mạnh nếu Đề án 1 triệu căn nhà ở xã hội, nhà ở công nhân được tổ chức thực hiện tốt”, ông Khôi nhấn mạnh.
Tuấn Minh