- Reuters hôm qua (10/7) trích dẫn một cuộc khảo sát của Invesco về các ngân hàng trung ương và các quỹ đầu tư quốc gia đưa tin, ngày càng có nhiều quốc gia mang dự trữ vàng thỏi về nước sau các lệnh trừng phạt chưa từng có mà phương Tây áp đặt lên Nga.
Theo báo cáo, các khoản thua lỗ lớn mà các nhà quản lý tiền có chủ quyền phải hứng chịu do thị trường tài chính thất thường vào năm ngoái đã khiến họ “về cơ bản” phải suy nghĩ lại về các chiến lược của mình trong bối cảnh lo ngại về lạm phát cao hơn và căng thẳng địa chính trị leo thang hơn nữa.
Cuộc khảo sát cho thấy hơn 85% trong số 85 quỹ đầu tư quốc gia và 57 ngân hàng trung ương tham gia cuộc khảo sát tin rằng lạm phát sẽ cao hơn trong thập kỷ tới so với thập kỷ trước.
Một "con số đáng kể" các ngân hàng trung ương được cho là đang lo ngại trước tiền lệ gây ra từ các biện pháp trừng phạt nhằm vào Nga. Gần 60% số người được hỏi cho biết điều đó đã khiến vàng trở nên hấp dẫn hơn, trong khi 68% đang giữ dự trữ trong nước, so với 50% vào năm 2020.
“'Nếu đó là vàng của tôi thì tôi muốn nó ở đất nước của mình' (đã) là câu thần chú mà chúng ta đã thấy trong suốt năm ngoái,” ông Rod Ringrow - người đứng đầu các tổ chức chính thức của Invesco đồng thời cũng là người chủ trì cuộc khảo sát, cho hay.
Thừa nhận đánh giá trên của chuyên gia Ringrow, một ngân hàng trung ương giấu tên nói với Reuters rằng: “Đúng là chúng tôi có dự trữ vàng ở London... nhưng bây giờ chúng tôi đã chuyển số vàng dự trữ đó về nước để giữ nó như một tài sản trú ẩn an toàn và nó đã được giữ an toàn."
Gần một nửa trong số dự trữ vàng và ngoại hối trị giá 640 tỷ USD của Nga đã bị phương Tây đóng băng vào năm ngoái, bao gồm trong nhiều đợt trừng phạt liên quan đến cuộc xung đột ở Ukraine. Moscow đã lên án việc đóng băng tài sản của mình, miêu tả kế hoạch chiếm đoạt các khoản tiền đó của phương Tây là hành vi trộm cắp và cảnh báo về các biện pháp trả đũa.
Nghiên cứu của Ivesco cho thấy những lo ngại về địa chính trị, kết hợp với các cơ hội ở các thị trường mới nổi, cũng đã gây ra sự dịch chuyển giữa một số ngân hàng trung ương khỏi đồng đô la Mỹ. Trong số những người được khảo sát, 7% được cho là tin rằng nợ của Mỹ ngày càng tăng cũng có tác động tiêu cực đối với đồng bạc xanh, nhưng hầu hết vẫn thấy không có sự thay thế nào đối với đồng đô la với tư cách là đồng tiền dự trữ của thế giới.