Mặc dù đi lên trong phiên giao dịch cuối tuần song điều đó không giúp giá dầu tránh khỏi quý giảm thứ tư liên tiếp, khi nhà đầu tư lo ngại rằng hoạt động kinh tế trì trệ có thể làm giảm nhu cầu dầu.
Bơm xăng cho phương tiện tại trạm xăng ở Essen, Đức. (Ảnh: AFP/TTXVN) |
Giá dầu thế giới trồi sụt trong tuần qua, bị chi phối bởi những nhân tố liên quan tới cung-cầu.
Mặc dù đi lên trong phiên giao dịch cuối tuần này song điều đó không giúp giá dầu tránh khỏi quý giảm thứ tư liên tiếp, khi nhà đầu tư lo ngại rằng hoạt động kinh tế toàn cầu trì trệ có thể làm giảm nhu cầu nhiên liệu.
Giá dầu thế giới tăng nhẹ trong phiên đầu tuần này, khi các nhà đầu tư đứng giữa mối lo ngại về tăng trưởng nhu cầu toàn cầu với nguy cơ gián đoạn nguồn cung xuất phát từ cuộc binh biến do tập đoàn quân sự tư nhân Wagner tiến hành tại Nga.
Phát biểu ủng hộ việc tăng lãi suất của Chủ tịch Ngân hàng Trung ương châu Âu (ECB), Christine Lagarde, gây lo ngại về triển vọng nhu cầu dầu mỏ và khiến giá dầu giảm mạnh ngay phiên giao dịch liền sau đó.
Bà Lagarde nhận định lạm phát tại Khu vực sử dụng đồng euro (Eurozone) quá cao và có thể sẽ duy trì trong thời gian quá dài.
Nhà phân tích Phil Flynn tại The PRICE Futures Group cho rằng giá dầu giảm khi thị trường lại tập trung vào các dự báo kinh tế ảm đạm, sau khi cuộc binh biến tại Nga kết thúc.
Giá “vàng đen” phục hồi nhẹ trong hai phiên giao dịch sau đó, khi Cơ quan Thông tin năng lượng Mỹ (EIA) cho biết dự trữ dầu thô của nước này giảm 9,6 triệu thùng trong tuần kết thúc vào ngày 23/6, cao hơn nhiều so với dự đoán về mức giảm khiêm tốn của các nhà phân tích.
Tuy vậy, đà tăng của giá dầu bị hạn chế phần nào bởi những lo ngại rằng lãi suất gia tăng có thể kìm hãm tăng trưởng kinh tế toàn cầu.
Áp lực đối với giá dầu còn đến từ Trung Quốc, nước tiêu thụ dầu lớn thứ hai thế giới, khi lợi nhuận của các công ty công nghiệp ở nước này kéo dài đà giảm hai con số trong 5 tháng đầu năm so với cùng kỳ năm ngoái do nhu cầu sụt giảm.
Kết thúc phiên giao dịch cuối tuần ngày 30/6, giá dầu Brent giao tháng 8/2023 tăng 56 xu (tương đương 0,8%) lên 74,90 USD/thùng. Trong quý 2/2023, giá loại dầu này đã giảm 6%.
Giá dầu ngọt nhẹ (WTI) tăng 78 xu (tương đương 1,1%) lên 70,64 USD/thùng. Giá dầu này đã giảm hai quý liên tiếp, mất 6,5% trong quý 2/2023.
Trong phiên này, giá dầu được hỗ trợ bởi một báo cáo của Bộ Thương mại Mỹ cho thấy lạm phát hàng năm tăng trong tháng trước với tốc độ chậm nhất trong 2 năm.
Thị trường cũng được hỗ trợ bởi sự điều chỉnh tăng nhu cầu dầu thô và các sản phẩm tinh chế tại Mỹ.
Dữ liệu của Cơ quan Thông tin Năng lượng Mỹ (EIA) cho thấy nhu cầu dầu thô và các chế phẩm dầu mỏ giảm nhẹ xuống 20,446 triệu thùng/ngày trong tháng 4/2023 nhưng vẫn mạnh theo mùa.
Giá dầu cũng được hỗ trợ từ kế hoạch cắt giảm sản lượng thêm 1 triệu thùng/ngày trong tháng 7/2023 của Saudi Arabia bên cạnh thỏa thuận của Tổ chức Các nước Xuất khẩu Dầu mỏ và các đồng minh (OPEC+) để hạn chế nguồn cung đến năm 2024.
Các chuyên gia phân tích của HSBC cho biết bất chấp những thông báo về 2 đợt cắt giảm sản lượng mới từ OPEC+ và Saudi Arabia, giá dầu thô phần lớn vẫn ở dưới mốc 80 USD/thùng do thị trường ít bị chi phối bởi những yếu tố cơ bản và bị tác động nhiều hơn bởi các mối quan ngại về kinh tế vĩ mô.
Một cuộc thăm dò của Reuters đối với 37 chuyên gia phân tích và kinh tế cho thấy giá dầu sẽ gặp khó khăn trong năm nay khi những trận gió ngược đối với kinh tế toàn cầu vẫn dai dẳng.
Dữ liệu từ công ty dịch vụ dầu khí Baker Hughes cho biết số giàn khoan dầu và khí đốt đang hoạt động tại Mỹ đã giảm 9 tuần liên tiếp lần đầu tiên kể từ tháng 7/2020./.
(theo TTXVN/Vietnam+)
https://www.vietnamplus.vn/hoat-dong-kinh-te-toan-cau-tri-tre-gia-dau-giam-quy-thu-tu-lien-tiep/872510.vnp