- Nga đã nối lại hoạt động xuất khẩu dầu tinh chế sang Triều Tiên lần đầu tiên sau hơn hai năm vào tháng 12 năm ngoái, Ủy ban Chuyên gia về Triều Tiên của Hội đồng Bảo an Liên Hợp Quốc (UNSC) hôm qua (13/6) vừa tiết lộ như vậy. Triều Tiên đang phải hứng chịu các biện pháp trừng phạt của Liên Hợp Quốc.
Nga đã xuất khẩu một lượng nhỏ xăng và các sản phẩm dầu mỏ nhẹ khác sang Triều Tiên vào cuối năm ngoái, cùng với một lô hàng than đá. Diễn biến này đánh dấu sự đổi mới trong hoạt động bán năng lượng của Moscow cho quốc gia bị trừng phạt này.
Moscow đã cung cấp tổng cộng 67.300 thùng dầu tinh chế từ tháng 12 năm 2022 đến tháng 4 năm 2023, theo dữ liệu từ Hội đồng chuyên gia về Triều Tiên thuộc Ủy ban trừng phạt của UNSC.
Vụ trưởng Vụ Châu Á của Bộ Ngoại giao Nga Georgy Zinovyev cho biết: “Triều Tiên đã ngừng nhập khẩu các nguồn năng lượng và các hàng hóa khác từ Nga vào tháng 8 năm 2020 như một phần trong nỗ lực ứng phó với Covid-19. Chúng tôi sẽ nối lại nguồn cung cấp dầu thô và các sản phẩm dầu mỏ với số lượng như cũ" cho Triều Tiên, ông Zinovyev cho hay.
Nguồn cung sản phẩm dầu mỏ của Nga cho Triều Tiên đạt tổng cộng 3.225 thùng trong tháng 12 năm ngoái, 44.655 thùng trong tháng 1 và khoảng 10.666 thùng trong tháng 2. Trong tháng 3 và tháng 4, Moscow đã xuất khẩu lần lượt khoảng 5.140 thùng và 3.612 thùng sang Triều Tiên.
Liên Hợp Quốc yêu cầu các nước thành viên báo cáo về việc cung cấp, bán và chuyển tất cả các sản phẩm dầu mỏ tinh chế sang Triều Tiên như một phần của Nghị quyết 2397, được thông qua vào năm 2017. UNSC cũng đã áp đặt giới hạn 500.000 thùng dầu mỏ tinh chế nhập khẩu hàng năm ở Triều Tiên. đáp trả các vụ thử hạt nhân và tên lửa tầm xa của Bình Nhưỡng.
JWN Energy cho biết Nga và Triều Tiên đã nối lại giao thương qua tuyến đường sắt duy nhất của họ vào cuối năm ngoái.
Hợp tác giữa Moscow và Bình Nhưỡng đã đạt được động lực trong những tháng gần đây. Hôm qua (13/6), Bộ trưởng Ngoại giao Triều Tiên Choe Sun Hui nói rằng "sự hợp tác chiến lược" giữa hai nước chưa bao giờ mạnh mẽ hơn, miêu tả đây là một "thời kỳ hoàng kim" mới trong quan hệ song phương.