Trong báo cáo triển vọng kinh tế toàn cầu mới nhất, Tổ chức Hợp tác và phát triển kinh tế (OECD) mới đây dự đoán Ấn Độ sẽ vượt Trung Quốc, trong khi châu Á vẫn là điểm sáng của tăng trưởng toàn cầu.
Báo cáo trùng khớp với những dự đoán trước đó của các thể chế tài chính lớn trong đó có Quỹ tiền quốc tế (IMF) hay Ngân hàng phát triển châu Á (ADB). Việc các hạn chế do đại dịch Covid-19 được nới lỏng, đặc biệt tại Trung Quốc, được kỳ vọng sẽ thúc đẩy tiêu dùng, du lịch và đầu tư.
Theo OECD, trong khi nền kinh tế toàn cầu có thể giảm tốc hơn nữa, châu Á được kỳ vọng sẽ vẫn là một điểm sáng, với lạm phát dự kiến sẽ duy trì ở mức “vừa phải”. OECD dự đoán tăng trưởng toàn cầu đạt 2,7% trong năm nay, đánh dấu tỷ lệ hàng năm thấp thứ 2 kể từ sau khủng hoảng tài chính toàn cầu năm 2008-2009, không tính năm đại dịch 2020.
Châu Á vẫn là điểm sáng của tăng trưởng toàn cầu. (Ảnh: KT) |
Ấn Độ, Trung Quốc và Indonesia sẽ dẫn đầu về tăng trưởng tổng sản phẩm quốc nội khi lần lượt đạt 6%, 5,4% và 4,7%.
Nhà kinh tế trưởng của OECD Cle Lom-ba-đeo-li (Clare Lombardelli) đánh giá: "Trung Quốc dự kiến sẽ chứng kiến sự thay đổi tăng trưởng tích cực mạnh nhất so với bất kỳ nền kinh tế G20 nào trong năm nay nhờ việc dỡ bỏ chính sách “ZERO Covid”. Việc mở cửa trở lại của Trung Quốc cũng thúc đẩy nhu cầu ở các nền kinh tế châu Á khác. Trong năm qua, tăng trưởng GDP của châu Á vẫn tương đối mạnh”.
Nhà phân tích Rob Subbaraman của Tập đoàn dịch vụ tài chính toàn cầu Nomura tại Nhật Bản nhận định, các điều kiện tài chính toàn cầu cho thấy đây là “thời điểm để châu Á tỏa sáng”. Theo chuyên gia này, triển vọng tăng trưởng toàn cầu yếu và các đợt tăng lãi suất chính sách sắp kết thúc có thể sẽ thúc đẩy các nhà đầu tư tìm kiếm những cơ hội mới, đồng thời đặt ưu tiên cho các nền tảng kinh tế lành mạnh và châu Á dường như là lựa chọn phù hợp nhất.
Báo cáo triển vọng kinh tế toàn cầu của OECD cũng cho thấy, lạm phát trung bình của các nước OECD sẽ giảm xuống 6,6% trong năm nay sau khi đạt đỉnh 9,4% trong cả năm 2022. Mặc dù lưu ý rằng các ngân hàng nói chung có thể linh hoạt hơn so với trong cuộc khủng hoảng tài chính toàn cầu, nhưng OECD cho biết, niềm tin của thị trường vẫn còn mong manh sau sự sụp đổ của ngân hàng ở Mỹ. Báo cáo cũng chỉ ra mức nợ tăng cao ở các nền kinh tế tiên tiến sau đại dịch Covid-19 và cuộc xung đột tại Ucraina.
Tổng thư ký OECD Mathias Cormann nhận định: “Chúng ta vẫn phải đối mặt với những thách thức chính sách đáng kể phía trước. Có sự không chắc chắn do tác động toàn cầu của cuộc xung đột tại Ukraine và cả những căng thẳng địa chính trị khác. Tình trạng thiếu khí đốt đã tránh được ở châu Âu trong mùa đông này và sự gián đoạn lớn trên thị trường dầu mỏ đã không xảy ra. Tuy nhiên chúng ta cần tiếp tục cảnh giác vì một số điều kiện thuận lợi giúp giảm nhu cầu năng lượng trong năm qua có thể không lặp lại vào năm tới”.
Để chống lạm phát và giải quyết những mối lo ngại trước mắt đối với nền kinh tế toàn cầu, OECD khuyến nghị các chính phủ duy trì chính sách tiền tệ thắt chặt, loại bỏ dần các hỗ trợ tài chính hoặc thúc đẩy các hỗ trợ có mục tiêu, ưu tiên các chính sách thúc đẩy tăng trưởng và cải thiện nguồn cung.
Theo VOV
https://vov.vn/kinh-te/chau-a-van-la-diem-sang-cua-tang-truong-toan-cau-post1025604.vov