- Giám đốc điều hành của Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) mới đây đã lên tiếng cảnh báo rằng thế giới đang trên bờ vực của sự phân mảnh địa kinh tế, điều mà bà tin rằng có thể dội thêm “gáo nước lạnh” vào tăng trưởng toàn cầu vốn đã yếu ớt.
Giám đốc điều hành của Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) |
Phát biểu trực tuyến tại Diễn đàn Kinh tế Brussels hôm tuần trước, Giám đốc IMF Kristalina Georgieva kêu gọi hợp tác vào thời điểm mà tăng trưởng trên toàn cầu cực kỳ yếu kém theo tiêu chuẩn lịch sử.
Giám đốc IMF cho biết: “Sau nhiều thập kỷ hội nhập toàn cầu ngày càng tăng, nguy cơ thế giới có thể chia thành các khối kinh tế đối địch ngày càng lớn. “Và đó là một viễn cảnh tồi tệ cho tất cả mọi người, kể cả những người ở châu Âu.”
Bà Georgieva cảnh báo rằng triển vọng tăng trưởng ngày càng ảm đạm vào thời điểm mà triển vọng toàn cầu yếu kém cả trong ngắn hạn và trung hạn. IMF dự báo tăng trưởng sẽ duy trì ở mức khoảng 3% trong 5 năm tới, mức dự báo trung hạn thấp nhất trong hơn 3 thập kỷ.
“Tuy nhiên, các ngân hàng trung ương không thể từ bỏ mục tiêu cho đến khi lạm phát tăng cao được kiểm soát một cách chắc chắn. “Việc thắt chặt tiền tệ bắt buộc đang ảnh hưởng đến tăng trưởng và phơi bày một số lỗ hổng tài chính”, Giám đốc IMF đã chỉ ra như vậy.
Theo vị quan chức của Quỹ Tiền tệ Quốc tế, việc khôi phục hợp tác đa phương là rất quan trọng đối với tăng trưởng dài hạn ở mọi nơi, đồng thời cảnh báo rằng sự phân mảnh thương mại có thể gây thiệt hại tới 7% cho nền kinh tế toàn cầu trong dài hạn. Bà Georgieva cho biết con số đó “gần tương đương với tổng sản lượng hàng năm của Đức và Nhật Bản”, đồng thời cho biết thêm rằng một số quốc gia có thể thấy tổn thất GDP lên tới 12% nếu cộng thêm việc tách rời công nghệ.
“Chúng tôi không thể phớt lờ những tổn thất nói trên,” bà Georgieva nhấn mạnh.
Giám đốc IMF trước đó cũng đã nói rằng những cú sốc trong vài năm qua, bao gồm đại dịch Covid-19, xung đột Nga-Ukraine và lãi suất tăng vọt sau nhiều năm nới lỏng chính sách tiền tệ, đã là lực cản đối với nền kinh tế toàn cầu.