- Ông Uday Kotak - một nhà đầu tư tỷ phú và cũng là Giám đốc điều hành của Ngân hàng Kotak Mahindra ở Ấn Độ vừa có phát biểu cho rằng đồng đô la Mỹ (USD) có quá nhiều quyền lực với tư cách là một đồng tiền dự trữ và thế giới đang vô cùng cần một giải pháp thay thế.
Phát biểu tại Giải thưởng Thời báo Kinh tế cho Doanh nghiệp xuất sắc năm 2023 mới đây, vị giám đốc ngân hàng của Ấn Độ đã miêu tả đồng đô la của Mỹ là “kẻ khủng bố tài chính lớn nhất trên thế giới”. Ông giải thích rằng vì hầu hết các tài sản toàn cầu được giữ bằng đồng USD trong cái gọi là tài khoản Nostro tại các ngân hàng Mỹ, nên chúng hoàn toàn phụ thuộc vào các quyết định của các giám đốc ngân hàng Mỹ và chính quyền Mỹ. Tài khoản Nostro là một tài khoản ngân hàng tư nhân, ngân hàng nhà nước được nắm giữ bằng ngoại tệ bởi một ngân hàng nước ngoài hoặc đơn vị chuyên môn.
“Ai đó ở Mỹ có thể nói: Bạn không thể rút số tiền này từ sáng mai - và bạn bị mắc kẹt. Đó là sức mạnh của đồng tiền dự trữ,” ông Kotak nói thêm. Vì thế, thế giới đang “khẩn cấp tìm kiếm một loại tiền dự trữ thay thế,” vị quan chức ngân hàng của Ấn Độ cho hay đồng thời gợi ý rằng Ấn Độ nên nắm bắt cơ hội để biến đồng rupee của mình thành đồng tiền tiền dự trữ.
Ông Kotak nói: “Đây là lúc để chúng ta để thực hiện điều đó, chúng ta có thể sẽ mất 10 năm. Để đạt được mục tiêu này, Ấn Độ phải giành được sự tin tưởng của những người chơi toàn cầu khác bằng cách xây dựng các thể chế tài chính vững mạnh và một khuôn khổ mạnh mẽ “không phụ thuộc vào ý thích bất chợt và sự tưởng tượng của bất kỳ ai”. Ông Kotak nói thêm rằng ông ấy không thấy những ứng cử viên nặng ký khác cho vị thế này.
“Tôi không nghĩ rằng châu Âu có thể làm cho đồng tiền của họ trở thành đồng tiền dự trữ bởi vì các quốc gia thành viên của họ không đoàn kết với nhau. Tôi không nghĩ Vương quốc Anh hay Nhật Bản có đủ sức mạnh để đảm nhận vị trí đó, mặc dù cả đồng bảng Anh và đồng yên đều là tiền tệ tự do. Tôi nghĩ Trung Quốc có vấn đề lớn về lòng tin với nhiều quốc gia trên thế giới,” ông Kotak nhận định.
Trong một bài đăng trên Twitter hôm 29/4, Giám đốc điều hành của Ngân hàng Kotak Mahindra đã cố gắng làm rõ hơn những bình luận của mình về đồng đô la Mỹ, giải thích rằng ông đang đề cập đến sức mạnh quá mức mà một đồng tiền dự trữ nắm giữ. Vị thế đó mang lại cho đồng tiền này khả năng kiểm soát các giao dịch toàn cầu, dẫn đến các tình huống mà các quốc gia khác có thể trở nên phụ thuộc vào nó.
“Trong một cuộc thảo luận gần đây về đồng đô la Mỹ, tôi đã vô tình sử dụng từ ‘khủng bố tài chính’ mà tôi muốn sửa lại. Ý tôi muốn nói là một đồng tiền dự trữ có sức mạnh không tương xứng”, ông Kotak đã viết như vậy.