- Tổ chức Lương thực và Nông nghiệp (FAO) của Liên Hợp Quốc mới đây đã báo cáo rằng giá lương thực toàn cầu đã tăng vào tháng Tư và đây là lần tăng giá đầu tiên trong một năm trở lại đây.
Chỉ số giá – một chỉ số theo dõi các mặt hàng thực phẩm được giao dịch nhiều nhất trên toàn cầu, đạt trung bình 127,2 điểm vào tháng trước, so với 126,5 điểm của tháng Ba.
“Sự tăng nhẹ của chỉ số FFPI (Chỉ số giá lương thực của FAO) trong tháng 4 là do chỉ số giá đường tăng mạnh, cùng với chỉ số giá thịt tăng, trong khi chỉ số giá ngũ cốc, sữa và dầu thực vật tiếp tục giảm”, FAO cho biết.
Theo báo cáo, chỉ số giá đường tăng 17,6% so với tháng 3, đạt mức cao nhất kể từ tháng 10 năm 2011. Mức tăng này được cho là có liên quan đến lo ngại về nguồn cung thắt chặt hơn sau khi điều chỉnh giảm dự báo sản lượng của Ấn Độ và Trung Quốc, cùng với mức thấp hơn sản lượng dự kiến tại Thái Lan và Liên minh châu Âu.
Chỉ số giá thịt tăng 1,3% so với tháng 3, trong khi giá sữa giảm 1,7%. Giá dầu thực vật cũng giảm 1,3%, đánh dấu tháng giảm thứ 5 liên tiếp.
Chỉ số giá ngũ cốc giảm 1,7%, với sự sụt giảm của giá thế giới đối với tất cả các loại ngũ cốc chính lấn át sự gia tăng của giá gạo.
Chuyên gia kinh tế trưởng của FAO Maximo Torero cho biết: “Việc tăng giá gạo là cực kỳ đáng lo ngại và điều cần thiết là sáng kiến Biển Đen phải được đổi mới để tránh bất kỳ đợt tăng đột biến nào khác đối với lúa mì và ngô”.
Báo cáo của FAO chỉ ra rằng giá lúa mì quốc tế đã giảm 2,3% trong tháng 4 xuống mức thấp nhất kể từ tháng 7 năm 2021, chủ yếu do lượng hàng xuất khẩu dồi dào ở Nga và Australia.