- Nhóm Bảy quốc gia giàu có G7 đã mời các quan chức từ một số quốc gia nghèo hơn tham gia cuộc họp tuần này gồm các bộ trưởng tài chính và giám đốc ngân hàng trung ương trong một động thái hiếm hoi nhằm thu hút cái gọi là Nam bán cầu và chống lại ảnh hưởng ngày càng tăng của Trung Quốc.
Nhật Bản - chủ nhà của các cuộc họp G7 năm nay, đã mời các nền kinh tế mới nổi như Ấn Độ, Indonesia và Brazil, cũng như các nước châu Á như Hàn Quốc và Singapore, tham gia vào hoạt động tài chính của cuộc họp G7 bắt đầu tại Niigata trong ngày hôm nay (11/5).
Mặc dù không có gì lạ khi các quốc gia không phải là thành viên tham dự hội nghị thượng đỉnh của các nhà lãnh đạo G7, nhưng đây là lần đầu tiên kể từ năm 2009, điều đó được mở rộng cho cả những người đứa đầu về tài chính.
G7 bắt nguồn từ năm 1975 và ngày nay bao gồm Mỹ, Anh, Đức, Pháp, Ý, Canada và Nhật Bản.
Khi căng thẳng kinh tế giữa Washington và Bắc Kinh gia tăng, nhóm G7 do Mỹ lãnh đạo cũng đã vạch ra các kế hoạch nhằm tăng cường “khả năng phục hồi chuỗi cung ứng” – vốn là quy tắc giảm sự phụ thuộc vào Trung Quốc trong nhiều lĩnh vực bao gồm khoáng sản quan trọng và ngăn chặn xuất khẩu một số thiết bị sản xuất chip. Tăng cường liên kết với Nam bán cầu được coi là một cách để mở rộng những nỗ lực như vậy.
Bộ trưởng Tài chính Nhật Bản Shunichi Suzuki vào tháng trước đã mô tả hoạt động tiếp cận Nam bán cầu là “một sáng kiến độc đáo dưới sự chủ trì của người Nhật Bản”. Một cuộc họp với các quan chức không thuộc nhóm G7 đã được lên kế hoạch vào ngày mai (12/5).
Ông Masato Kanda - Thứ trưởng Tài chính Nhật Bản phụ trách các vấn đề quốc tế, cho biết lần cuối cùng các quốc gia không thuộc nhóm G7 được mời tham dự cuộc họp bộ trưởng tài chính là vào năm 2009, khi Ý mời Nga.
Đối với Nhật Bản, ba khách mời được quan tâm đặc biệt là Hàn Quốc, Ấn Độ và Indonesia.
Thủ tướng Nhật Bản Fumio Kishida trong tuần này đã kết thúc chuyến thăm quan trọng tới Seoul với cam kết tìm kiếm sự hợp tác về hàng hóa công nghệ cao và cam kết về sự phụ thuộc mới giữa hai quốc gia vốn là chìa khóa trong chính sách an ninh của Mỹ.
Nhật Bản cũng đang tăng cường quan hệ với Ấn Độ, chủ tịch G20 năm nay và Indonesia - cả hai nước nhận đầu tư trực tiếp nước ngoài lớn của Nhật Bản.