- Các biện pháp trừng phạt chống lại Nga có thể làm tổn hại đến đồng đô la Mỹ (USD) khi các quốc gia như Iran và Trung Quốc đang tìm kiếm các loại tiền tệ thay thế cho thương mại, Bộ trưởng Tài chính Janet Yellen.
Bộ trưởng Tài chính Janet Yellen |
Bộ trưởng Tài chính Mỹ Janet Yellen vừa lên tiếng nói với hãng tin CNN rằng các biện pháp trừng phạt của Mỹ nhằm vào Nga vì cuộc chiến ở Ukraine có nguy cơ gây đe dọa đến quyền bá chủ của đồng đô la Mỹ (USD) – một vị thế mà đồng tiền quốc gia của Mỹ đã nắm giữ bao nhiêu năm nay.
Tuy nhiên, theo bà Yellen, sẽ rất khó để một đồng tiền nào đó lặp lại được sự thống trị của đồng USD.
Đồng nhân dân tệ của Trung Quốc là đối thủ cạnh tranh với đồng đô la của Mỹ trong bối cảnh Bắc Kinh có tham vọng lớn đối với đồng tiền quốc gia của mình.
Phát biểu trên hãng tin CNN trong một cuộc trả lời phỏng vấn, Bộ trưởng Tài chính Mỹ Yellen đã nói: “Có một rủi ro khi chúng ta sử dụng các biện pháp trừng phạt tài chính liên quan đến vai trò của đồng đô la Mỹ (USD) mà theo thời gian, điều đó có thể làm suy yếu quyền bá chủ của đồng tiền này”. Tuy nhiên, Mỹ chỉ sử dụng đồng đô la như một công cụ "một cách có lý trí", vị quan chức tài chính cấp cao của Mỹ nói thêm.
"Đó là một công cụ rất hiệu quả. Tất nhiên, nó tạo ra mong muốn từ phía Trung Quốc, Nga, Iran để tìm một giải pháp thay thế", bà Yellen nói.
Tuy vậy, không dễ để tái tạo hệ sinh thái tương tự như hệ sinh thái đã hỗ trợ đồng đô la Mỹ, bà Yellen nhấn mạnh đồng thời cho biết thêm rằng sẽ rất khó để một đồng tiền nào đó lặp lại được sự thống trị của đồng USD với tư cách là đồng tiền dự trữ quốc tế.
Những phát biểu trên được Bộ trưởng Yellen đưa ra khi bà được đề nghị bình luận về việc chính quyền của Tổng thống Joe Biden vũ khí hóa đồng đô la một cách mạnh mẽ.
Mới tuần trước, Tổng thống Brazil Luiz Inacio Lula da Silva còn lên tiếng đả kích sự thống trị của đồng bạc xanh và kêu gọi các quốc gia mới nổi đưa ra một loại tiền tệ thay thế trong thương mại, AFP ngày 14/4 đưa tin.
Một đối thủ thách thức đồng đô la Mỹ chính là đồng nhân dân tệ của Trung Quốc. Đồng tiền quốc gia của Trung Quốc đang nổi lên như một đối thủ cạnh tranh mạnh mẽ với đồng đô la Mỹ, vì Bắc Kinh có tham vọng biến đồng tiền này trở thành đồng tiền dự trữ thống trị trên thế giới. Tuy nhiên, đồng nhân dân tệ còn một chặng đường dài phía trước, chủ yếu là do Bắc Kinh vẫn quản lý chặt giá trị của nó. Đồng nhân dân tệ chưa thể chuyển đổi hoàn toàn sang các loại tiền tệ khác trên thị trường toàn cầu ngay bây giờ.
Vào tháng Hai, đồng nhân dân tệ đã vượt qua đồng đô la để trở thành đồng tiền được giao dịch nhiều nhất ở Nga.
Vào tháng 1, đồng đô la Mỹ thống trị thương mại toàn cầu, chiếm khoảng 85% tài chính thương mại, theo báo cáo tháng 2 từ hệ thống thanh toán toàn cầu Swift. Trong khi đó, đồng Nhân dân tệ của Trung Quốc chỉ chiếm 4,6% tài chính thương mại trong cùng kỳ - nhưng đã tăng hơn gấp đôi so với mức 1,8% vào tháng 2 năm 2022, theo Swift.
Swift lấy dữ liệu từ 11.000 tổ chức tài chính và tập đoàn tại hơn 200 quốc gia và vùng lãnh thổ.
Các biện pháp trừng phạt sâu rộng do phương Tây dẫn dắt nhằm chống lại Nga trong cuộc chiến Ukraine cũng đã thúc đẩy các công ty Nga sử dụng các loại tiền tệ thay thế - chẳng hạn như đồng nhân dân tệ, đô la Hồng Kông và đồng dirham của Các Tiểu vương quốc Ả-rập Thống nhất - để giao dịch.
Vào tháng Hai, đồng nhân dân tệ đã lần đầu tiên vượt qua đồng đô la để trở thành đồng tiền được giao dịch nhiều nhất ở Nga, theo dữ liệu giao dịch của Bloomberg được công bố vào ngày 3/4. Khối lượng giao dịch tiền Trung Quốc ở Nga là "không đáng kể" trước chiến tranh.
Mới tháng trước, Tổng thống Nga Vladimir Putin đã nói với Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình rằng Nga đã sẵn sàng chuyển sang sử dụng đồng nhân dân tệ cho các thỏa thuận thương mại nước ngoài, cơ quan truyền thông RBC của Nga đưa tin vào ngày 21/3.
"Kết quả quan trọng nhất của hội nghị thượng đỉnh giữa hai nhà lãnh đạo Putin và Tập Cận Bình có lẽ là cam kết của Nga về việc sẽ chủ yếu sử dụng đồng nhân dân tệ làm ngoại tệ", ông Steno Research - một nhà nghiên cứu có trụ sở tại Đan Mạch, đã viết trong một báo cáo ngày 24/3. Theo vị chuyên gia này, "đây chỉ là bước cuối cùng của một trong những kế hoạch tổng thể lớn của Trung Quốc nhằm cho phép Thượng Hải thay thế New York trở thành trung tâm tài chính và trung tâm xoay trục của thế giới."
Mặc dù vậy, Bộ trưởng Yellen vẫn tự tin cho rằng đồng USD được sử dụng rộng rãi sẽ tiếp tục giữ giá trị của nó.