- Nền kinh tế thế giới đang đối mặt với thời kỳ tăng trưởng yếu nhất kể từ những năm 1990 trong 5 năm tới do những vấn đề gây ra bởi đại dịch và căng thẳng chính trị, Giám đốc điều hành Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) Kristalina Georgieva mới đây đã đưa ra nhận định như vậy.
Bà Georgieva cảnh báo, sự suy giảm nghiêm trọng của nền kinh tế toàn cầu vào năm ngoái sau đại dịch Covid-19 và cuộc xung đột ở Ukraine sẽ tiếp tục diễn ra vào năm 2023 và có thể kéo dài trong 5 năm tới.
GDP toàn cầu sẽ tăng trưởng khoảng 3% trong nửa thập kỷ tới so với mức trung bình 3,8% được thấy trong 20 năm qua. Điều này cho thấy hiệu quả kinh tế thế giới đang ở mức tồi tệ nhất trong hơn ba thập kỷ. IMF dự kiến GDP toàn cầu sẽ tăng dưới 3% trong năm nay, phù hợp với dự báo hồi tháng 1 là 2,9%.
Năm ngoái, tăng trưởng toàn cầu gần như đã giảm một nửa sau đợt phục hồi ban đầu thời sau đại dịch vào năm 2021, giảm từ mức 6,1% xuống còn 3,4%, Giám đốc IMF Georgieva cho biết trước khi báo cáo Triển vọng kinh tế thế giới của IMF được công bố dự kiến vào ngày 11/4 tới.
Người đứng đầu IMF cảnh báo, có tới 90% các nền kinh tế tiên tiến có khả năng bị suy giảm tốc độ tăng trưởng trong năm nay, với hoạt động ở Mỹ và Khu vực đồng tiền chung châu Âu (khu vực đồng euro) bị ảnh hưởng bởi lãi suất cao hơn.
Bà Georgieva cho biết thêm: “Trong bối cảnh căng thẳng địa chính trị gia tăng, với lạm phát vẫn ở mức cao, sự phục hồi mạnh mẽ vẫn khó đạt được. Giám đốc IMF nói thêm rằng: “Thực tế nói trên đang làm tổn hại đến triển vọng của tất cả mọi người, đặc biệt là đối với những người dễ bị tổn thương nhất và các quốc gia dễ bị tổn thương nhất”.
Giám đốc IMF Georgieva cảnh báo rằng thế giới cần phải chống lại sự phân mảnh kinh tế bắt nguồn từ căng thẳng địa chính trị và kêu gọi các nước hành động để gia tăng năng suất toàn cầu.
Theo bà Georgieva, lạm phát tăng cao mà hầu hết các quốc gia giàu có trên thế giới phải đối mặt sẽ buộc các ngân hàng trung ương tiếp tục tăng lãi suất, gây thêm áp lực cho ngành ngân hàng bất chấp sự bất ổn về tài chính sau những bất ổn gần đây với những ngân hàng cho vay ở Mỹ và Thụy Sĩ.
Bà Georgieva kêu gọi cộng đồng thế giới “cần phải cảnh giác và thích ứng nhanh hơn bao giờ hết”, đồng thời nói thêm rằng các cơ quan quản lý có thể phải đối mặt với nhiều lựa chọn phức tạp hơn để bảo vệ hệ thống tài chính trong bối cảnh lạm phát dai dẳng và những thách thức trong lĩnh vực ngân hàng.
Sự phân rã dài hạn trong thương mại toàn cầu như hạn chế dòng vốn và hợp tác quốc tế, cũng như hạn chế di cư, có thể làm giảm GDP toàn cầu tới 7% hoặc 7 nghìn tỷ USD, tương đương với tổng sản lượng hàng năm của Đức và Nhật Bản , Giám đốc Quỹ Tiền tệ Quốc tế cảnh báo.
IMF còn cảnh báo rằng, căng thẳng địa chính trị gia tăng có thể làm gián đoạn hoạt động đầu tư ra nước ngoài và cuối cùng dẫn đến tổn thất kéo dài ở mức 2% GDP của thế giới.
Theo IMF, rủi ro gây ra từ việc phân mảnh kinh tế đang gia tăng trên toàn cầu khi các công ty và nhà hoạch định chính sách hướng tới việc chuyển sản xuất về nước hoặc đến “các quốc gia đáng tin cậy”.
Báo cáo của IMF cho hay: “Trong thập kỷ qua, tỷ trọng dòng vốn FDI (đầu tư trực tiếp nước ngoài) giữa các nền kinh tế có sự liên kết về địa chính trị đã không ngừng tăng lên, nhiều hơn so với tỷ trọng của các quốc gia gần gũi hơn về mặt địa lý, cho thấy rằng các ưu tiên về địa chính trị ngày càng thúc đẩy dấu ấn địa lý của FDI”.
IMF cho rằng sự gia tăng của “friendshoring” có thể gây tổn hại nhiều nhất cho các thị trường kém phát triển. Friend-shoring có nghĩa là chuyển các hoạt động trong chuỗi cung ứng hàng hóa về các nước thân thiện, nhằm vừa tận dụng lợi ích của toàn cầu hóa, vừa hạn chế các rủi ro gián đoạn sản xuất vì đặt ở các nước không thân thiện.
Các nhà kinh tế của IMF cảnh báo rằng “một thế giới bị phân mảnh có thể sẽ trở thành một thế giới nghèo hơn”.