- Ngân hàng Phát triển Châu Á (ADB) cho biết trong một báo cáo vừa được công bố ngày hôm nay (4/4) rằng, sự phục hồi của Trung Quốc sau đại dịch và nhu cầu mạnh mẽ ở Ấn Độ sẽ thúc đẩy tăng trưởng kinh tế mạnh mẽ ở châu Á trong năm nay.
Theo bản dự báo cập nhật mới nhất của ADB – tổ chức có trụ sở tại thủ đô Manila, Philippines, mức tăng trưởng sẽ là 4,8% trong năm nay và năm tới, tăng từ mức 4,2% vào năm 2022. Ngân hàng Phát triển Châu Á cho biết lạm phát có thể sẽ giảm nhẹ trong năm nay và giảm thêm vào năm 2024.
Các nhà kinh tế của ADB cho biết quyết định cắt giảm sản lượng dầu mỏ vào cuối tuần vừa rồi của các quốc gia xuất khẩu dầu mỏ OPEC+ đã đẩy giá dầu tăng mạnh và nó có thể khơi lại áp lực lạm phát, tăng thêm thách thức cho khu vực.
Phân tích được đưa ra trong báo cáo của ADB dựa trên giả định rằng dầu thô Brent, cơ sở định giá cho giao dịch quốc tế, sẽ ở mức trung bình 88 USD/thùng trong năm nay và 90 USD/thùng trong năm tới.
Giá dầu vẫn ở dưới mức nói trên, với giá dầu Brent ở mức 83 USD vào ngày hôm qua (3/4). Tuy nhiên, mức giá này đã tăng khoảng 5% sau khi Ả-rập Xê-út và các nhà sản xuất dầu lớn khác cho biết họ sẽ cắt giảm sản lượng 1,15 triệu thùng mỗi ngày từ tháng 5 cho đến cuối năm này, ngoài mức giảm được công bố vào tháng 10 năm ngoái. Bước đi mới nhất này của OPEC+ đã khiến chính quyền của Tổng thống Mỹ Joe Biden tức giận.
“Chắc chắn giá dầu có thể tăng cao hơn nữa và gây ra một thách thức khác cho khu vực,” nhà kinh tế trưởng Albert Park của ADB cho biết trong một cuộc họp qua điện thoại.
Tuy nhiên, nhập khẩu dầu thô từ Nga ngày càng tăng, đặc biệt là của Trung Quốc và Ấn Độ. Điều này có thể sẽ giảm bớt tác động của việc tăng giá - xuất khẩu dầu mỏ sang Trung Quốc, Ấn Độ và Thổ Nhĩ Kỳ đã tăng hơn gấp đôi vào năm ngoái. Tính đến tháng 2, 1/3 xuất khẩu dầu thô của Nga sang Ấn Độ và hơn 1/5 sang Trung Quốc.
Chuyên gia Park lưu ý rằng lạm phát ở châu Á dường như được thúc đẩy nhiều hơn bởi nhu cầu gia tăng đối với các dịch vụ, chẳng hạn như du lịch, hơn là đối với hàng hóa.
Một yếu tố khác có thể đẩy giá cả tăng cao hơn là sự phục hồi của Trung Quốc từ mức tăng trưởng chậm sau khi các nhà lãnh đạo ở Bắc Kinh dỡ bỏ các hạn chế nghiêm ngặt do COVID-19 làm gián đoạn hoạt động đi lại, sản xuất và các hoạt động kinh doanh khác. ADB dự báo nền kinh tế Trung Quốc sẽ tăng trưởng 5% trong năm nay và 4,5% trong năm tới, cải thiện so với mức tăng trưởng 3% của năm ngoái nhưng chậm hơn mức trung bình dài hạn.
Trong khi đó, nền kinh tế Ấn Độ dự kiến sẽ tăng trưởng với tốc độ chậm hơn là 6,4% trong năm nay. Mức tăng trưởng này có được sau tốc độ phát triển lên 9,1% vào năm 2021 khi nó phục hồi sau giai đoạn tồi tệ nhất của đại dịch Covid-19 và mức 6,8% của năm ngoái. Nhưng đó là một trong những mức tăng trưởng nhanh nhất cho một nền kinh tế lớn trong khu vực.
Trong khi đó, Việt Nam dự kiến sẽ đạt mức tăng trưởng 6,5% trong năm nay, giảm so với mức 8% của năm ngoái. Con số này cao hơn mức dự báo trung bình cho Đông Nam Á, ở mức 4,7% vào năm 2023 và 5% vào năm tới.
Báo cáo của ADB cho biết, nhu cầu về chip máy tính giảm đã ảnh hưởng đến triển vọng của các nhà xuất khẩu lớn như Vùng lãnh thổ Đài Loan, Singapore và Hàn Quốc. ADB trích dẫn dự báo của Thống kê thương mại chất bán dẫn thế giới rằng doanh số bán chất bán dẫn sẽ giảm 4,1% trong năm nay so với năm ngoái nhưng cho biết nhu cầu có thể phục hồi vào cuối năm nay.
Cũng theo ADB, những lo lắng gần đây về sự ổn định của ngành ngân hàng sau vụ các ngân hàng phá sản ở Mỹ và việc Thụy Sĩ phải giải cứu Credit Suisse là một trong những bất ổn khác mà nền kinh tế toàn cầu và khu vực phải đối mặt. Cuộc chiến ở Ukraine cũng có thể đẩy giá các mặt hàng như dầu mỏ, khí đốt và lúa mì lên cao hơn, gây cản trở đến nỗ lực kiềm chế lạm phát của các ngân hàng trung ương.