- Bộ Công Thương yêu cầu Tập đoàn điện lực Việt Nam (EVN) khẩn trương phối hợp với chủ đầu tư điện gió, điện mặt trời chuyển tiếp để thống nhất giá điện trước ngày 31/3/2023.
Bộ Công Thương đã có văn bản số 1553/BCT-ĐTĐL gửi Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) về việc thoả thuận giá điện với nhà máy điện mặt trời, điện gió chuyển tiếp.
Nội dung văn bản đã yêu cầu, EVN khẩn trương phối hợp với chủ đầu tư trên, để thống nhất giá điện trước ngày 31/3/2023 để sớm đưa các nhà máy vào vận hành, tránh gây lãng phí tài nguyên.
Trước đó, ngày 09/01/2023, Bộ Công Thương cũng đã có văn bản đề nghị Tập đoàn Điện lực Việt Nam và các chủ đầu tư nhà máy điện mặt trời, điện gió chuyển tiếp khẩn trương phối hợp thỏa thuận, thống nhất giá phát điện đảm bảo không vượt quá khung giá phát điện do Bộ Công Thương ban hành.
Ngày 7/1/2023, Bộ Công Thương đã có Quyết định số 21/QĐ-BCT ban hành khung giá phát điện nhà máy điện mặt trời, điện gió chuyển tiếp, theo đó, giá trần dự án điện mặt trời chuyển tiếp là 1.185-1.508 đồng một kWh và điện gió 1.587-1.816 đồng một kWh, tuỳ loại hình.
Tiếp theo ngày 02/3/2023, Bộ Công Thương cũng đã có văn bản hướng dẫn EVN căn cứ theo quy định tại Luật Điện lực, các nội dung phù hợp với thực tế của nhà máy điện mặt trời, điện gió chuyển tiếp để thỏa thuận, thống nhất giá phát điện.
Theo phía EVN cho biết, trước đó đơn vị này đã gửi văn bản đề nghị 85 nhà đầu tư gửi hồ sơ chuẩn bị cho quá trình đàm phán giá, hợp đồng. Khi đủ điều kiện sẽ đàm phán theo hướng công bằng, minh bạch. Tuy nhiên đến ngày 20/3, chỉ có 1/85 chủ đầu tư gửi hồ sơ.
Được biết, hiện có 84 dự án năng lượng tái tạo (công suất hơn 4.676 MW) bị chậm tiến độ vận hành thương mại so với kế hoạch.Trong đó, 34 dự án chuyển tiếp (28 dự án điện gió, 6 điện mặt trời) tổng công suất gần 2.091 MW đã hoàn thành thi công, thử nghiệm. Số dự án này không được hưởng giá điện ưu đãi cố định (giá FIT) trong 20 năm theo các quyết định trước đây.
Yến Nhi