- Giám đốc điều hành của Opimas - ông Octavio Marenzi vừa lên tiếng nhận định rằng, những rắc rối của ngân hàng đầu tư lớn một thời của Thụy Sĩ Credit Suisse đang làm suy yếu danh tiếng của Thụy Sĩ với tư cách là một trung tâm tài chính toàn cầu.
Phát biểu trên được ông Marenzi đưa ra sau khi xảy ra thương vụ mua lại mang tính lịch sử của tập đoàn UBS với Credit Suisse - hai ngân hàng hàng đầu của Thụy Sĩ và từng là đối thủ của nhau. Hôm Chủ nhật (19/3), hai gã khổng lồ ngành ngân hàng đã công bố một thỏa thuận do chính phủ Thụy Sĩ làm trung gian nhằm củng cố niềm tin của công chúng vào hệ thống tài chính phương Tây và ngăn chặn một cuộc khủng hoảng toàn cầu. UBS đã đồng ý mua lại ngân hàng đang gặp khó khăn Credit Suisse với giá ba tỷ franc Thụy Sĩ (3,2 tỷ USD).
“Vị thế trung tâm tài chính của Thụy Sĩ đã bị phá vỡ,” ông Marenzi nhận định đồng thời nói thêm rằng “đất nước Thụy Sĩ giờ đây sẽ được coi là một nước cộng hòa chuối tài chính (financial banana republic).”
Cộng hòa chuối (tiếng Anh: banana republic) là một thuật ngữ khoa học chính trị dùng để chỉ quốc gia có nền chính trị bất ổn ở Mỹ Latinh với nền kinh tế phụ thuộc nặng nề vào việc xuất khẩu một loại sản phẩm hữu hạn nhất định nào đó, ví dụ như chuối, khoáng sản...
Trong lĩnh vực kinh tế, một nước cộng hòa chuối là một quốc gia có nền kinh tế theo chủ nghĩa tư bản nhà nước, một mô hình kinh tế mà đất nước đang hoạt động như một doanh nghiệp thương mại tư nhân cho lợi nhuận độc quyền của giai cấp thống trị.
“Sự thất bại của Credit Suisse sẽ gây ra ảnh hưởng nghiêm trọng đối với các tổ chức tài chính khác của Thụy Sĩ. Danh tiếng toàn cầu về quản lý tài chính thận trọng, sự giám sát chặt chẽ theo quy định và nói thẳng ra là có phần hơi buồn tẻ và nhàm chán đối với các khoản đầu tư đã bị xóa sổ”, ông Octavio Marenzi nhấn mạnh.
Vụ sáp nhập mang tính bước ngoặt có thể biến UBS thành công ty quản lý tài sản lớn nhất thế giới với tổng tài sản đầu tư hơn 5 nghìn tỷ USD. Tuy nhiên, vụ sáp nhấp nói trên đã làm dấy lên lo ngại về sức khỏe của các tài sản được mua lại.