- Đóng vai trò quan trọng và đáng kể cho nền kinh tế Việt Nam, kinh tế số tạo nên những thay đổi mang tính cách mạng từ sản xuất, phân phối cho đến tiêu dùng; thúc đẩy mạnh mẽ chuyển đổi số quốc gia. Trong năm 2022, so sánh với các nước trong khu vực, nền kinh tế số ở Việt Nam được đánh giá có sự tăng trưởng mạnh nhất, cao hơn cả Indonesia và Singapore...
Lazada Việt Nam vừa phối hợp với Văn phòng Doanh nghiệp vì sự Phát triển bền vững thuộc Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) công bố Báo cáo ngành Thương mại điện tử (TMĐT) năm 2023 với chủ đề: “TMĐT phát triển bền vững: Động lực thúc đẩy nền kinh tế số”.
Nối tiếp thành công của Báo cáo ngành TMĐT với chủ đề “TMĐT năm 2021: Thích ứng và nhanh chóng vượt trở ngại từ Covid-19” mang đến bức tranh toàn cảnh về ngành TMĐT sau đại dịch và xu hướng của ngành trong năm 2021, Báo cáo “TMĐT phát triển bền vững: Động lực thúc đẩy nền kinh tế số” được thực hiện nhằm cung cấp cho doanh nghiệp trong hệ sinh thái TMĐT và cộng đồng TMĐT góc nhìn tổng quan về tiềm năng, tầm quan trọng, hiệu quả của phát triển bền vững trên TMĐT; vai trò của TMĐT phát triển bền vững với nền kinh tế số; các thông tin, xu hướng hữu ích để phát triển bền vững trên TMĐT. Báo cáo cũng đưa ra những nhận định chuyên môn về ngành, phân tích rõ 4 khía cạnh chính của TMĐT phát triển bền vững.
Từ bức tranh toàn cảnh…
Theo báo cáo của Google, Temasek và Bain & Company, tổng giá trị hàng hóa giao dịch (GMV) của nền kinh tế số Việt Nam được dự đoán sẽ tiếp tục tăng trưởng với tốc độ kép hàng năm là 31%, chạm mốc 49 tỷ Đô la Mỹ vào năm 2025 và sẽ tiếp tục duy trì mức độ này trong khu vực Đông Nam Á ở giai đoạn 2025 - 2030 ở mức 19%.
Sự tăng trưởng ấn tượng và vững chắc của nền kinh tế số Việt Nam trong những năm vừa qua có một phần không nhỏ đến từ sự bùng nổ của lĩnh vực thương mại điện tử (TMĐT) khi ngành này chiếm tới hơn 60% giá trị nền kinh tế số của Việt Nam. Đặc biệt, trong số 23 tỷ USD mà kinh tế số Việt Nam đạt được trong năm 2022 thì có tới 14 tỷ USD là từ lĩnh vực TMĐT.
Còn tới năm 2025, nếu nền kinh tế số Việt Nam đạt ngưỡng 49 tỷ USD thì con số này ở lĩnh vực TMĐT là 32 tỷ USD, chiếm tới hơn 65%. Theo Bộ Công Thương, TMĐT là một trong những lĩnh vực tiên phong của nền kinh tế số, tạo động lực phát triển kinh tế và dẫn dắt chuyển đổi số trong doanh nghiệp.
Bên cạnh đó, sự phát triển của TMĐT không chỉ mang lại tác động tích cực đối với nền kinh tế số nói chung, mà còn thúc đẩy tốc độ phát triển của nền kinh tế số tại các tỉnh thành trong cả nước, đặc biệt tại các đô thị lớn như Hà Nội và TP. Hồ Chí Minh.
Theo Hiệp hội TMĐT Việt Nam (VECOM), chỉ số TMĐT đã có sự chênh lệch lớn giữa 2 thành phố này so với các địa phương còn lại. Sự khác biệt này được đo lường dựa trên ba chỉ số thành phần: Hạ tầng và nguồn nhân lực, Giao dịch giữa doanh nghiệp với người tiêu dùng (B2C), Giao dịch giữa doanh nghiệp với doanh nghiệp (B2B).
Có thể thấy, việc tập trung gia tăng ba chỉ số thành phần sẽ là nhân tố thúc đẩy kinh tế số phát triển đồng đều giữa các địa phương, góp phần mang đến sự phát triển nhanh và bền vững cho nền kinh tế số Việt Nam nói chung.
Sự phát triển của TMĐT cũng tạo ra cơ hội để đẩy mạnh tiềm năng xuất khẩu và kết nối xuyên quốc gia đối với các doanh nghiệp. VECOM cho biết có 18% doanh nghiệp sử dụng website/ứng dụng TMĐT cho mục đích xuất khẩu, và đa phần trong nhóm này là các doanh nghiệp lớn. Hiệu quả mà các website/ứng dụng TMĐT mang lại cho việc xuất khẩu của các doanh nghiệp cũng nhận được sự đánh giá tích cực. Trong đó, có 34% doanh nghiệp đánh giá là hiệu quả và 7% doanh nghiệp cho là rất hiệu quả.
Ông Đặng Anh Dũng, Phó Tổng giám đốc Lazada Việt Nam công bố báo cáo |
TMĐT: Động lực thúc đẩy nền kinh tế số
TMĐT phát triển bền vững sẽ tạo ra một môi trường kinh doanh lành mạnh và cung cấp các dịch vụ và sản phẩm tốt cho người dùng, qua đó đóng góp tích cực cho sự phát triển của nền kinh tế số. TMĐT phát triển bền vững được cấu thành từ 4 yếu tố chính: Phát triển kinh doanh bền vững; phát triển cơ sở hạ tầng bền vững; Phát triển nguồn nhân lực số chất lượng cao; Phát triển và ứng dụng công nghệ nâng cao trải nghiệm khách hàng.
Phát triển kinh doanh bền vững là mục tiêu trọng tâm hàng đầu của doanh nghiệp. Muốn đạt được điều đó, doanh nghiệp cần tập trung vào: (1) Mô hình kinh doanh bền vững; (2) Gia tăng giá trị sản phẩm & dịch vụ một cách bền vững; (3) Phát triển hệ sinh thái TMĐT bền vững; (4) Quản lý tài chính bền vững.
Năm 2022, báo cáo “Chỉ số TMĐT Việt Nam - Làn sóng thứ 2 của TMĐT” do VECOM thực hiện ghi nhận xu hướng gia tăng đối với đầu tư cho hạ tầng TMĐT tại Việt Nam, đặc biệt là đối với hạng mục đầu tư vào các hệ thống phần mềm quản lý và khai thác dữ liệu. Mức đầu tư vào các hệ thống này được dự kiến sẽ tăng cao trong năm 2023 khi kinh doanh trên nền tảng số trở nên phổ biến hơn và các doanh nghiệp buộc phải đầu tư để thích nghi với các nhu cầu mới của khách hàng và cạnh tranh với các đối thủ. Các hạ tầng kỹ thuật khác như chữ ký điện tử, hợp đồng điện tử, và hóa đơn điện tử đều ghi nhận mức tăng trưởng gần 10% so với cùng kỳ năm trước.
Tự động hóa, công nghệ đám mây, trí tuệ nhân tạo và kết nối cơ sở hạ tầng là những xu hướng nổi bật trong đầu tư cơ sở hạ tầng kỹ thuật công nghệ trên TMĐT ở thế giới nói chung và tại Việt Nam nói riêng.
Theo báo cáo của Ủy ban Quốc gia về chuyển đổi số, chất lượng nhân lực số của Việt Nam hiện nay chỉ mới đáp ứng khoảng 30% so với nhu cầu của thị trường. Dự báo đến năm 2030, thị trường Việt Nam sẽ cần 1,5 triệu nhân lực có chuyên môn về CNTT và kỹ thuật số. Việc nhu cầu nhân lực số tăng cao trong những năm gần đây dự kiến sẽ tạo ra áp lực lớn đối với việc nâng cao chất lượng và năng lực đào tạo hiện nay.
Sau đại dịch Covid-19, số lượng người tiêu dùng kỹ thuật số dự kiến sẽ quay về mức tăng trưởng ổn định. Theo Kepios, trong số 72 triệu người tiêu dùng kỹ thuật số tại Việt Nam vào năm 2022 thì có đến 52 triệu người Việt Nam đang sử dụng TMĐT, tăng 13,5% so với cùng kỳ năm ngoái. Chi tiêu hàng năm cho TMĐT là 12,4 tỷ USD, tăng 35,4% so với cùng kỳ năm ngoái.
Tìm kiếm sản phẩm thân thiện với môi trường là một xu hướng mới trong mua sắm trực tuyến. Theo Kantar, 57% người Việt Nam ngừng mua một số sản phẩm hoặc dịch vụ vì tác động của chúng đối với môi trường hoặc xã hội. Người tiêu dùng đang thu hẹp khoảng cách 'nói là làm' bằng cách chi tiêu nhiều hơn cho các thương hiệu có ý thức về môi trường, xã hội và quản trị (ESG), ủng hộ doanh nghiệp triển khai các hoạt động trách nhiệm xã hội và áp dụng các thói quen đặt hàng bền vững hơn, chẳng hạn như gia tăng giá trị mỗi lần mua sắm để giảm tần suất đặt hàng hoặc chấp nhận thời gian giao hàng kéo dài…
Xu hướng phát triển bền vững của TMĐT
Thứ nhất, về đầu tư, TMĐT bền vững sẽ tiếp tục hướng đến các đầu tư dài hạn về cơ sở hạ tầng, công nghệ, logistics, con người… Những mô hình doanh nghiệp TMĐT bền vững đã cho thấy sức chống trụ bền bỉ cũng như mức độ hiệu quả trong việc duy trì và phát triển kinh doanh, ổn định đội ngũ nhân sự, từ đó đóng góp đáng kể cho nền kinh tế.
Thứ hai, về kinh doanh, TMĐT bền vững tạo ra nhiều giá trị hơn cho các bên liên quan thông qua việc xây dựng cộng đồng với các giá trị được cộng hưởng từ đối tác (thanh toán, vận hành, logistics…), doanh nghiệp (nhà bán hàng và thương hiệu) và người tiêu dùng. Việc xây dựng và củng cố sức mạnh từ hệ sinh thái TMĐT bền vững trong giai đoạn này sẽ tạo dựng được nền tảng giúp các doanh nghiệp đẩy nhanh lộ trình chuyển đổi số, đưa ra chiến lược phát triển dài hạn trên TMĐT, tận dụng triệt để các giải pháp từ công nghệ, cơ sở hạ tầng, logistics, đến tiếp thị trong hệ sinh thái TMĐT, hướng tới kinh doanh bền vững và thực sự có hiệu quả.
Thứ ba, về công nghệ, TMĐT bền vững ưu tiên đầu tư cho các công nghệ hỗ trợ độ mở của sàn, sử dụng API (Application Programming Interface – Giao diện lập trình ứng dụng) ở mọi điểm tiếp xúc của TMĐT với đối tác, kết nối và tận dụng triệt để nhiều dịch vụ của đối tác trên nền tảng TMĐT. API còn cho phép hợp lý hoá các hoạt động và đảm bảo sự tương tác liền mạch của khách trên TMĐT, từ đó hỗ trợ các nhà bán lẻ theo dõi, phân tích dữ liệu và giao tiếp chatbot với khách hàng hiệu quả; đồng thời kết nối nền tảng TMĐT với thị trường của bên thứ ba.
Thứ tư, về trải nghiệm khách hàng, TMĐT bền vững kết nối các hành vi mua sắm riêng lẻ của người tiêu dùng, hướng đến xu hướng mua sắm toàn diện và lâu dài từ giai đoạn tìm kiếm, lựa chọn, mua hàng, thanh toán, đổi trả. Đồng thời, để quản lý tác động lên môi trường, bên cạnh việc áp dụng các giải pháp giảm thiểu khí thải trong hoạt động và giảm việc sử dụng nguyên vật liệu, nhiều doanh nghiệp TMĐT đi theo mô hình TMĐT bền vững đang từng bước tiến tới việc tác động lên nhận thức và hành vi của người tiêu dùng; giảm thiểu khí thải carbon thông qua việc tạo ra những combo sản phẩm với mức giá ưu đãi, khuyến khích người tiêu dùng ưu tiên lựa chọn combo sản phẩm thay vì đặt hàng riêng lẻ…
Thứ năm, về thanh toán, Thanh toán trên TMĐT sẽ ngày càng mở rộng kết nối với đa dạng đối tác tài chính và chuyển hướng “buy now, pay later” (Mua trước, trả sau), đáp ứng nhu cầu chi trả của người tiêu dùng và giúp cho việc mua sắm trên TMĐT trở nên linh hoạt và dễ dàng hơn. “Mua Trước, Trả sau” cũng giúp cho các doanh nghiệp bán lẻ tăng tỷ lệ chuyển đổi bán hàng và quy mô đơn đặt hàng trung bình trên nền tảng TMĐT.
Thứ sáu, về xã hội, TMĐT bền vững trở thành cầu nối thúc đẩy phổ cập hiểu biết về TMĐT đến với doanh nghiệp và người tiêu dùng toàn quốc, góp phần thực hiện chủ trương phổ cập TMĐT đến các địa phương trong Kế hoạch tổng thể phát triển TMĐT Quốc gia giai đoạn 2021 – 2025.
TMĐT bền vững đồng thời là “cánh tay nối dài” giúp thu hẹp khoảng cách TMĐT giữa các địa phương hiệu quả thông qua việc giảm vai trò của trung gian (thương lái, chợ đầu mối, đối tác vận chuyển…); từ đó mang lại lợi ích nhiều hơn cho người nông dân, thúc đẩy họ tập trung đầu tư hơn cho chất lượng sản phẩm; đồng thời, việc đảm bảo truy xuất nguồn gốc sản phẩm trên TMĐT cũng thúc đẩy gia tăng cam kết tiêu dùng trên nền tảng này.
Phạm Lê