Quy định tại Dự thảo Luật Nhà ở sửa đổi đang mở ra theo hướng cá nhân người nước ngoài được phép nhập cảnh vào Việt Nam thì được sở hữu nhà và kèm theo đất.
Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính - Ngân sách Nguyễn Phú Cường phát biểu tại phiên thảo luận. |
Quyền sở hữu nhà của cá nhân nước ngoài có gắn với quyền sử dụng đất hay không là vấn đề được quan tâm thảo luận suốt thời gian lấy ý kiến về cả hai dự án Luật Đất đai (sửa đổi) và Luật Nhà ở (sửa đổi) thời gian qua.
Dự thảo Luật Nhà ở (sửa đổi) được Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho ý kiến chiều 17/3 vẫn kế thừa quy định của Luật Nhà ở hiện hành. Theo đó, điều 19 quy định tổ chức, cá nhân nước ngoài được sở hữu nhà ở tại Việt Nam, bao gồm cả nhà ở riêng lẻ (gắn với quyền sử dụng đất); cá nhân nước ngoài có các quyền của chủ sở hữu nhà ở cơ bản như công dân Việt Nam, trừ một số điều kiện về số lượng nhà, căn hộ, khu vực được phép sở hữu và thời hạn sở hữu.
Tuy nhiên, báo cáo thẩm tra của Ủy ban Pháp luật nói rằng, theo quy định tại Điều 5 của Luật Đất đai hiện hành, Điều 5 của dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi) thì người sử dụng đất được Nhà nước giao đất, cho thuê đất, công nhận quyền sử dụng đất, nhận chuyển quyền sử dụng đất không bao gồm cá nhân là người nước ngoài.
Nghị quyết số 18-NQ/TW của Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XIII cũng không xác định quyền sử dụng đất gắn liền với quyền sở hữu nhà ở của cá nhân nước ngoài.
Do đó, cơ quan thẩm tra đề nghị Cơ quan chủ trì soạn thảo giải trình làm rõ nội dung này, cung cấp thông tin về quá trình thực thi chính sách này trên thực tế, những kết quả đạt được cũng như các vấn đề vướng mắc, bất cập và đề xuất phương án chỉnh lý để bảo đảm chặt chẽ, phù hợp với chủ trương của Đảng, thống nhất về chính sách đất đai, nhà ở đối với tổ chức, cá nhân nước ngoài tại Việt Nam.
Tham gia thảo luận, Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính - Ngân sách của Quốc hội, ông Nguyễn Phú Cường nhận xét, quy định tại dự thảo đã "mở ra rất lớn", khi mà cá nhân người nước ngoài được phép nhập cảnh vào Việt Nam là được sở hữu nhà và kèm theo đất.
Ông Cường dẫn quy định tại Điều 21 về số lượng nhà ở mà tổ chức, cá nhân người nước ngoài được sở hữu, quy định đối với chung cư là không quá 30% căn hộ trong chung cư, nếu là nhà ở riêng lẻ bao gồm nhà biệt thự, nhà ở liền kề thì trên một khu vực có số dân tương đương một đơn vị hành chính cấp phường chỉ được mua, thuê mua, nhận tặng cho, nhận thừa kế và sở hữu không 250 căn nhà.
"Như vậy, nếu họ muốn mua nhiều lên thì một ngã tư có giao nhau của 4 phường chẳng hạn, thì họ sẽ mua được 1 nghìn căn nhà, 1 nghìn căn nhà tính ra diện tích của biệt thự là một diện tích rất lớn", ông Cường nhận xét.
Vì thế, ông Cường cho rằng, cần quan tâm thêm quy định này bởi "nếu họ bỏ tiền ra mua từ Nam đến Bắc thì cứ một phường được 250 căn, gần như hết đất nước Việt Nam".
Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế Vũ Hồng Thanh đề nghị cần nghiên cứu để quy định thống nhất về vấn đề sở hữu nhà đối với người nước ngoài. Ông Thanh cũng cho biết Uỷ ban đã có văn bản tham gia thẩm tra nói chi tiết vấn đề này.
Theo quy định tại điều 19, đối tượng tổ chức, cá nhân nước ngoài được sở hữu nhà ở tại Việt Nam bao gồm cả cá nhân nước ngoài được phép nhập cảnh vào Việt Nam.
Tại báo cáo tham gia thẩm tra, Thường trực Ủy ban Kinh tế cho rằng, quy định này chưa đủ rõ.
Thường trực Ủy ban Kinh tế cũng đề nghị quy định rõ tại Dự thảo Luật Nhà ở (sửa đổi) về quyền sở hữu nhà ở (bao gồm cả căn hộ chung cư và nhà ở riêng lẻ) của cá nhân nước ngoài không gắn với quyền sử dụng đất, phù hợp với quy định tại Điều 5 dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi) lấy ý kiến Nhân dân về người sử dụng đất, nhận chuyển nhượng quyền sử dụng đất không bao gồm cá nhân nước ngoài.
Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ nhấn mạnh, hiện nay, pháp luật chỉ cho phép tổ chức, cá nhân người nước ngoài được sở hữu nhà ở tại Việt Nam, nhưng không gắn với quyền sử dụng đất.
"Trong luật này cũng không quy định việc đó, nhưng đọc tất cả các điều trong luật này thì gần như hàm ý là tổ chức, cá nhân người nước ngoài khi mua nhà, sở hữu nhà thì đồng thời được được quyền sử dụng đất".
Nhận xét như trên, Chủ tịch Quốc hội đề nghị nghiên cứu đánh giá kỹ tác động và sự phù hợp của luật này với các quy định của pháp luật có liên quan và Nghị quyết 18 của Trung ương.
Báo cáo giải trình, Bộ trưởng Bộ Xây dựng Nguyễn Thanh Nghị cho biết, đến thời điểm hiện nay, theo số liệu tổng hợp được thì có 3035 tổ chức, cá nhân người nước ngoài đã mua và sở hữu nhà tại Việt Nam theo Luật Nhà ở năm 2014, trong đó cá nhân là 2.775, tổ chức là 260.
Ông Nghị cũng đề cập một số vướng mắc, như theo Luật Nhà ở hiện hành thì người nước ngoài được mua và sở hữu nhà ở tại Việt Nam bao gồm căn hộ chung cư và nhà ở riêng lẻ. Theo pháp luật kinh doanh bất động sản thì việc mua, bán công trình bao gồm cả nhà ở thì phải gắn liền với quyền sử dụng đất.
Tuy nhiên, Luật Đất đai năm 2013 không quy định cá nhân người nước ngoài là đối tượng được cấp quyền sử dụng đất.
"Trong thời gian qua, Bộ Xây dựng nhận được báo cáo từ các địa phương, chỉ ghi việc thực hiện cấp giấy chứng nhận cho người nước ngoài mua căn hộ chung cư, chưa nhận được báo cáo về cấp giấy chứng nhận cho người nước ngoài mua nhà ở riêng lẻ. Do đó, Bộ Xây dựng trong quá trình xây dựng Dự thảo, cũng tiếp thu ý kiến của thành viên Chính phủ, chỉ quy định theo hướng là công nhận quyền sở hữu nhà ở gắn liền với quyền sử dụng đất trên đất thuê", Bộ trưởng giải trình.
Dự án Luật Nhà ở (sửa đổi) sẽ được trình Quốc hội cho ý kiến tại kỳ họp thứ 5 (tháng 5/2023).
Theo baodautu.vn
https://baodautu.vn/batdongsan/quyen-so-huu-nha-cua-ca-nhan-nuoc-ngoai-co-gan-voi-quyen-su-dung-dat-d185741.html