- Những biện pháp trừng phạt nhằm chống lại các hãng hàng không Nga đã dẫn đến nhiều kết quả khác nhau nhưng không gây ra thiệt hại đáng kể như các nước phương Tây mong đợi, Bloomberg hôm qua (1/3) đưa tin.
Các biện pháp trừng phạt liên quan đến Ukraine đã buộc hai nhà sản xuất máy bay lớn nhất thế giới là Boeing và Airbus phải ngừng kinh doanh tại Nga. Vào thời điểm đó, hơn 40% số máy bay đang hoạt động ở Nga thuộc sở hữu của các bên cho thuê nước ngoài và các hãng này đã yêu cầu Nga trả lại tài sản của họ ngay sau khi những biện pháp trừng phạt được tung ra.
Tuy nhiên, các hãng hàng không Nga vẫn đang vận hành 467 máy bay phản lực Airbus và Boeing so với 544 một năm trước, Bloomberg trích dẫn số liệu được cung cấp từ nhà nghiên cứu Cirium cho biết.
Các hãng hàng không của Nga được cho là tiếp tục sử dụng máy bay phản lực mà không cần cập nhật phần mềm và các hình thức hỗ trợ khác từ Boeing và Airbus. Cả hai nhà sản xuất máy bay đều cho biết họ đã ngừng cung cấp phụ tùng, bảo trì hoặc hỗ trợ kỹ thuật cho các hãng hàng không hoặc công ty bảo trì ở Nga.
Vào tháng 2, người đứng đầu Cơ quan Vận tải Hàng không Liên bang Nga Alexander Neradko cho biết các máy bay Boeing và Airbus do các hãng hàng không Nga khai thác sẽ có thể bay an toàn cho đến năm 2030 nếu được bảo dưỡng đúng cách.
Trong nỗ lực cô lập Nga, Mỹ, EU và một số quốc gia khác đã đóng cửa không phận đối với các hãng hàng không Nga. Tuy nhiên, dù mất đi nhiều điểm đến, các hãng hàng không Nga cho biết đã tăng số chuyến bay đến Thái Lan, Thổ Nhĩ Kỳ, Các Tiểu vương quốc Ả Rập Thống nhất, Armenia, Kyrgyzstan và Tajikistan.
Theo ước tính của Cirium, các sân bay của Nga hiện đang phục vụ khoảng 270 chuyến bay quốc tế mỗi ngày so với 300 chuyến một năm trước.
Đồng thời, các biện pháp trả đũa của Nga đã buộc các hãng hàng không của EU và Mỹ phải thực hiện các đường bay vòng dài và tốn kém trên các chuyến bay đến châu Á. Không phận Nga vẫn mở cửa cho các hãng hàng không từ các quốc gia đã chọn không ủng hộ các biện pháp trừng phạt Nga.