- Bộ Tư pháp Thụy Sĩ cho biết trong một tuyên bố được đưa ra ngày hôm qua (15/2) rằng Thụy Sĩ không có kế hoạch tịch thu tài sản tư nhân của Nga bị phong tỏa trong các ngân hàng Thụy Sĩ.
Ý tưởng thu giữ các khoản tiền để sử dụng chúng cho mục đích tái thiết đất nước Ukraine đã được đánh giá bởi một nhóm làm việc của Ban thư ký nhà nước Thụy Sĩ về các vấn đề kinh tế (SECO). Nhóm này đã đi đến kết luận rằng động thái đó sẽ vi phạm hiến pháp Thụy Sĩ và hệ thống pháp luật của đất nước, vốn cấm “tước đoạt tài sản tư nhân mà không được bồi thường”. Nhóm nhấn mạnh rằng biện pháp này cũng sẽ vi phạm nghĩa vụ quốc tế của Thụy Sĩ.
“Việc tịch thu tài sản tư nhân bị phong tỏa là không phù hợp với Hiến pháp Liên bang và trình tự pháp lý hiện hành, đồng thời vi phạm các cam kết quốc tế của Thụy Sĩ. Các nước khác cũng có quyền và sự bảo đảm về hiến pháp tương tự như vậy”, Bộ Tư pháp cho biết trong tuyên bố của cơ quan này. Tuy nhiên, Bộ Tư pháp Thụy Sĩ cũng nhấn mạnh rằng nước này có kế hoạch tiếp tục hỗ trợ Ukraine, “không phụ thuộc vào các cuộc thảo luận về vấn đề tài sản bị đóng băng”.
Ý tưởng tịch thu tài sản để giúp tái thiết Ukraine đã được các nước phương Tây thảo luận trong thời gian qua nhưng vấp phải những rào cản pháp lý. Cựu giám đốc ngân hàng Deutsche Bank Josef Ackermann gần đây đã cảnh báo rằng một bước đi như vậy của Thụy Sĩ nói riêng sẽ gây nguy hiểm cho niềm tin của các nhà đầu tư vào hệ thống ngân hàng Thụy Sĩ và khiến nước này mất vị thế là một trung tâm tài chính toàn cầu.
Thụy Sĩ hiện đang nắm giữ tài sản bị đóng băng trị giá 7,5 tỷ franc Thụy Sĩ (8,13 tỷ USD) thuộc về các công dân Nga, SECO tiết lộ vào tháng trước.
Moscow đã nhiều lần kêu gọi Thụy Sĩ tháo gỡ phong tỏa các tài sản bị đóng băng và cảnh báo Thụy Sĩ không được có bất kỳ động thái nào nhằm thu giữ chúng, nói rằng điều đó có thể tạo ra một tiền lệ nguy hiểm trong luật pháp quốc tế. Theo Điện Kremlin, Nga sau đó sẽ có quyền tịch thu tài sản nước ngoài được giữ tại nước này để trả đũa.