- Đây là một trong 10 nhiệm vụ được Tổng cục Hải quan đưa ra trong Quyết định giao chỉ tiêu cải cách hành chính, đơn giản hóa thủ tục hải quan, tạo thuận lợi thương mại năm 2023.
Tổng cục Hải quan vừa ban hành Quyết định số 123/QĐ-TCHQ về việc giao chỉ tiêu cải cách hành chính, đơn giản hóa thủ tục hải quan, tạo thuận lợi thương mại năm 2023.
Mục tiêu của Quyết định này là tạo thuận lợi tối đa cho các doanh nghiệp hoạt động xuất nhập khẩu hàng hóa, giúp tiết kiệm thời gian, chi phí, rút ngắn thời gian thông quan, giải phóng hàng, với 10 nhóm chỉ tiêu cụ thể.
Chỉ tiêu 1: “Nâng cao chất lượng công tác phân tích, đánh giá rủi rủi ro, đảm bảo giảm 5% tỷ lệ tờ khai luồng đỏ, giảm 10% tỷ lệ tờ khai luồng vàng năm 2023”
Theo Tổng cục Hải quan, tại Mục II Điều 1 Quyết định số 628/QĐ-TTg ngày 20/5/2022 về việc phê duyệt chiến lược phát triển hải quan đến năm 2030 chỉ tiêu chủ yếu dự kiến: Tỷ lệ tờ khai phải kiểm tra hồ sơ không quá 30%, tỷ lệ tờ khai phải kiểm tra thực tế hàng hoá không quá 4,5%.
Tỷ lệ phân luồng tờ khai năm 2022 tính đến ngày 15/12/2022 là: đỏ: 4,26%; vàng: 30,41%; xanh: 65,33%. Nguyên nhân phân luồng năm 2022: (i) Yếu tố quyết định lớn nhất đến phân luồng vàng là do: tiêu chí quy định (55.59%), tiêu chí quản lý cấp Tổng cục (20.88%), tiêu chí hạng doanh nghiệp (12.49%) và tiêu chí danh mục rủi ro (10.83%); (ii) Yếu tố quyết định lớn nhất đến phân luồng đỏ là do: tiêu chí quản lý cấp Tổng cục (59.07%), tiêu chí hạng doanh nghiệp (14,83%), chuyển luồng (10.38%) và tiêu chí quy định (7.97%).
Chỉ tiêu 2: “Giảm 10% thời gian thông quan, giải phóng hàng (liên quan đến thời gian tác nghiệp của cơ quan hải quan)”
Theo quy định tại khoản 2 Điều 23 Luật Hải quan thì công chức hải quan hoàn thành kiểm tra hồ sơ chậm nhất là 02 giờ làm việc kể từ thời điểm cơ quan hải quan tiếp nhận đầy đủ hồ sơ hải quan và hoàn thành việc kiểm tra thực tế hàng hóa chậm nhất là 08 giờ làm việc kể từ thời điểm người khai hải quan xuất trình đầy đủ hàng hóa cho cơ quan hải quan.
Hiện nay, các khoảng thời gian chính đã ghi nhận và báo cáo từ hoạt động đo thời gian thông quan, giải phóng hàng theo phương pháp WCO bao gồm các tiêu chí tại bảng trên.
Để có thể rút ngắn tổng thời gian thông quan/giải phóng hàng thì trách nhiệm liên quan không chỉ cơ quan hải quan mà còn các bên liên quan khác như doanh nghiệp XNK, cơ quan quản lý KTCN, doanh nghiệp kinh doanh kho bãi… Các chỉ tiêu đưa ra đều hướng tới mục đích chung cuối cùng là giảm thời gian, giảm chi phí cho doanh nghiệp thông quan việc đơn giản hóa thủ tục hải quan, tạo thuận lợi cho doanh nghiệp trong hoạt động xuất nhập khẩu.
Theo Tổng cục Hải quan, việc giảm thời gian thông quan hàng hóa là việc hết sức cần thiết, góp phần quan trọng vào việc tạo thuận lợi thương mại, thúc đẩy hoạt động xuất nhập khẩu hàng hóa. Nếu các chỉ tiêu ban hành tại Quyết định này đều hoàn thành thì thời gian thông quan, giải phóng hàng sẽ phần nào có thể cắt giảm hơn nữa.
“Tổng cục Hải quan sẽ xây dựng giải pháp cụ thể thực hiện chỉ tiêu này trong năm 2023 trên cơ sở tổng hợp ý kiến của Cục Hải quan các tỉnh, thành phố về thời gian thông quan, giải phóng hàng năm 2022.” – Quyết định của Tổng cục Hải quan nêu rõ.
Chỉ tiêu 3: “Giảm 20% số lô hàng phải lấy mẫu phân tích, giám định”
Chỉ tiêu 4: “Cắt giảm chứng từ thuộc bộ hồ sơ hải quan, cơ bản chuyển đổi sang chứng từ dưới dạng dữ liệu điện tử: 100% chứng từ chứng nhận xuất xứ hàng hóa nộp điện tử; Nghiêm cấm công chức hải quan yêu cầu người khai nộp các chứng từ ngoài quy định; Phối hợp với các Bộ, ngành đưa 50% thủ tục hành chính còn lại thực hiện trên Cổng thông tin một cửa quốc gia.”
Chỉ tiêu 5: “Tăng số cuộc thực hiện tham vấn giá theo hình thức gián tiếp của doanh nghiệp hạng 1 đến 4.”
Chỉ tiêu 6: “Giảm 25% tỷ lệ số cuộc kiểm tra sau thông quan theo kế hoạch tuân thủ pháp luật của người khai hải quan”
Ngày 28/12/2022, Tổng cục Hải quan đã ban hành công văn số 5700/TCHQ-KTSTQ về danh sách doanh nghiệp kiểm tra sau thông quan để đánh giá tuân thủ pháp luật năm 2023. Theo đó, Tổng cục trưởng Tổng cục Hải quan đã phê duyệt danh sách 144 doanh nghiệp kiểm tra sau thông quan để đánh giá tuân thủ pháp luật hải quan, pháp luật thuế năm – giảm 25,7% so với năm 2022 (194 doanh nghiệp).
Chỉ tiêu 7: “Tăng 10% số lượng tờ khai hải quan làm thủ tục thông qua đại lý hải quan”
Theo lý giải của Tổng cục Hải quan, hoạt động xuất nhập khẩu thông qua kênh đại lý làm thủ tục hải quan đang là một xu hướng tất yếu trong quá trình hội nhập kinh tế quốc tế, thời gian qua, hoạt động đại lý hải quan đã có những đóng góp quan trọng, đặt nền móng cho sự phát triển các dịch vụ liên quan đến hoạt động xuất nhập khẩu trên địa bàn toàn quốc.
Việc quan tâm phát triển đại lý làm thủ tục hải quan sẽ tạo thuận lợi hơn nữa cho hoạt động dịch vụ logistics phát triển, giúp việc thực hiện thủ tục hải quan của các doanh nghiệp trở nên chuyên nghiệp hóa, rút ngắn thời gian thông quan, giảm phát sinh các trường hợp vi phạm do không có điều kiện nghiên cứu đầy đủ pháp luật về hải quan và chính sách quản lý hàng hóa.
Chỉ tiêu 8: “Tăng 20% số lượng doanh nghiệp tự nguyện tham gia Chương trình hỗ trợ khuyến khích doanh nghiệp tự nguyện tuân thủ pháp luật hải quan so với năm 2022 để nâng cao mức độ tuân thủ pháp luật.”
Chỉ tiêu 9: “Nâng cao chất lượng đối thoại, tháo gỡ kịp thời khó khăn, vướng mắc cho DN.
Theo đó, hoàn thành việc giải đáp các vướng mắc trong quá trình thực hiện thủ tục hải quan tại cấp Chi cục trong thời gian 02 giờ làm việc; Tăng cường đối thoại với doanh nghiệp theo hình thức trực tuyến tối thiểu 01 lần/Quý tại cấp Chi cục Hải quan và 02 lần/năm tại cấp Cục Hải quan tỉnh, thành phố; Giảm 50% số vụ khiếu nại các Quyết định hành chính sai của cơ quan hải quan, công chức hải quan.
Chỉ tiêu 10: “Thực hiện các thủ tục hành chính trong lĩnh vực giám sát, quản lý hải quan trên Cổng dịch vụ công trực tuyến, gồm: Thủ tục liên quan đến bảo hộ quyền sở hữu trí tuệ; Thủ tục liên quan đến hoạt động của đại lý làm thủ tục hải quan; Thủ tục công nhận, mở rộng, thu hẹp, chấm dứt hoạt động của các địa điểm làm thủ tục hải quan (kho, bãi, địa điểm)”.