- Theo Bộ Tài chính, với sự đa dạng nguồn gốc thu nhập của cá nhân gắn với mục tiêu, yêu cầu mở rộng cơ sở thuế, cần rà soát bổ sung quy định về thu nhập chịu thuế theo hướng bổ sung nhóm thu nhập khác, hoặc quy định cụ thể các khoản thu nhập khác là thu nhập chịu thuế.
Luật thuế thu nhập cá nhân (TNCN) hiện hành được Quốc hội khóa XII tại kỳ họp thứ 2 thông qua ngày 20/11/2007 thay thế Pháp lệnh thuế thu nhập đối với người có thu nhập cao và chính thức có hiệu lực thi hành từ ngày 01/01/2009.
Theo báo cáo của Chính phủ, qua đánh giá kết quả thực hiện thời gian qua cho thấy, chính sách thuế đối với TNCN đã thể hiện và phát huy được vai trò là công cụ quan trọng trong việc thực hiện chính sách điều tiết, phân phối lại thu nhập, từng bước thu hẹp khoảng cách chênh lệch về thu nhập giữa các cá nhân trong xã hội...
Việc áp dụng biểu thuế luỹ tiến từng phần đối với thu nhập từ tiền lương, tiền công với 7 mức thuế suất từ 5% đến 35% và thuế suất toàn phần đối với hộ kinh doanh là phù hợp với điều kiện KT-XH trong thời gian qua, góp phần điều tiết hợp lý thu nhập trong xã hội.
Thuế TNCN cũng đã góp phần nâng cao tỷ trọng thu nội địa để ổn định thu cho ngân sách nhà nước trong quá trình hội nhập kinh tế quốc tế…
Tuy nhiên, Luật Thuế Thu nhập cá nhân được Chính phủ đánh giá là đã xuất hiện nhiều hạn chế.
Theo rà soát luật hiện hành cho thấy, Điều 3 Luật thuế TNCN quy định chung về thu nhập chịu thuế bao gồm 10 loại thu nhập: (1) thu nhập từ kinh doanh; (2) thu nhập từ tiền lương, tiền công; (3) thu nhập từ đầu tư vốn; (4) thu nhập từ chuyển nhượng vốn; (5) thu nhập từ chuyển nhượng bất động sản; (6) thu nhập từ trúng thưởng; (7) thu nhập từ bản quyền; (8) thu nhập từ nhượng quyền thương mại; (9) thu nhập từ nhận thừa kế; (10) thu nhập từ nhận quà tặng. Luật thuế TNCN giao Chính phủ quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành Điều này.
Theo Bộ Tài chính, nội dung quy định cụ thể 10 loại thu nhập chịu thuế như nêu trên về cơ bản là phù hợp với thực tiễn tình hình kinh tế xã hội và các hình thức hoạt động trong đời sống dân cư, đồng thời cũng phù hợp với thông lệ quốc tế nói chung.
Tuy nhiên, cùng với sự phát triển của đời sống kinh tế xã hội và các hình thức hoạt động kinh doanh mới đã phát sinh một số khoản thu nhập khác của cá nhân ngoài các loại thu nhập chịu thuế đã được quy định nêu trên và thường là các khoản thu nhập khác có tính chất đặc thù như thu nhập từ chuyển nhượng, thanh lý tài sản, quyền tài sản là tên miền internet, sim - số điện thoại, biển số xe,...
Các khoản thu nhập từ chuyển nhượng tài sản, quyền tài sản này cũng có bản chất giống với một số khoản thu nhập không thường xuyên (thu nhập vãng lai) đang thuộc diện chịu thuế hiện nay như thu nhập từ bản quyền, thu nhập từ nhượng quyền thương mại...
“Thời gian qua, có nhiều ý kiến cho rằng việc không đánh thuế đối với các khoản thu nhập nêu trên là chưa đảm bảo tính công bằng giữa các cá nhân có phát sinh thu nhập, đồng thời có thể dẫn đến tình trạng lợi dụng chính sách để chuyển từ việc phải nộp thuế thu nhập doanh nghiệp (theo mức thuế suất thông thường là 20%) sang áp dụng quy định về thuế TNCN hiện nay (không phải nộp thuế).” – bộ Tài chính phân tích.
Theo Bộ Tài chính, qua rà soát kinh nghiệm của các nước quy định về các loại hình thu nhập chịu thuế thường bao gồm: Thu nhập từ việc làm (tiền lương, tiền công, các khoản thưởng và thu nhập khác do lao động); thu nhập từ tác quyền; thu nhập từ tiền lãi; thu nhập từ cổ tức; thu nhập từ kinh doanh cá nhân; thu nhập từ tiền lương hưu; thu nhập từ chuyển nhượng vốn, chuyển nhượng tài sản; thu nhập từ cho thuê tài sản và thu nhập khác (thừa kế, quà tặng, tiền bản quyền...).
Ví dụ như ở Thái Lan, thu nhập chịu thuế bao hàm cả thu nhập bằng tiền và hiện vật. Bất kỳ lợi ích nào do người sử dụng lao động hoặc những người khác cung cấp, chẳng hạn như nhà cho thuê miễn phí hoặc số thuế do người sử dụng lao động trả thay cho người lao động cũng được coi là thu nhập chịu thuế để tính thuế TNCN.
Thu nhập chịu thuế tại Thái Lan được chia thành 08 loại như sau: (1) thu nhập từ cung cấp dịch vụ cá nhân cho người sử dụng lao động; (2) thu nhập từ tiền lương, tiền công; (3) thu nhập từ chuyển giao bản quyền, chuyển quyền thương mại và sở hữu trí tuệ; (4) thu nhập từ cổ tức, lãi tiền gửi ngân hàng ở Thái Lan, thu nhập từ đầu tư vốn; (5) thu nhập từ cho thuê tài sản, bất động sản, hợp đồng mua bán, cho thuê; (6) thu nhập từ nghề nghiệp tự do; (7) thu nhập từ xây dựng và các công việc khác theo hợp đồng và (8) thu nhập từ kinh doanh, thương mại, nông nghiệp, công nghiệp, vận tải và các hoạt động khác.
Còn ở Trung Quốc, Luật thuế TNCN quy định 9 loại thu nhập chịu thuế TNCN bao gồm: (1) thu nhập từ việc làm (tiền lương, tiền công); (2) thu nhập từ việc cung cấp các dịch vụ cá nhân như thiết kế, chăm sóc sức khỏe, tư vấn luật pháp, kế toán…; (3) thù lao của tác giả; (4) thu nhập từ bản quyền; (5) thu nhập từ kinh doanh; (6) thu nhập từ lãi suất, cổ tức và phân phối lợi nhuận; (7) thu nhập từ cho thuê máy móc, thiết bị, phương tiện, tàu thủy và các tài sản khác; (8) thu nhập từ chuyển quyền sở hữu tài sản (chứng khoán, cổ phiếu, bất động sản); (9) thu nhập bất thường khác.
Ở Hàn Quốc, thu nhập chịu thuế TNCN bao gồm: (1) thu nhập từ tiền công, tiền lương lao động; (2) thu nhập từ kinh doanh (bao gồm lợi nhuận từ thương mại, giao dịch bất động sản, cho thuê, mua bán quyền sử dụng và các thu nhập khác tạo ra từ các giao dịch thông thường); (3) thu nhập từ cổ tức (cả từ doanh nghiệp trong nước và ngoài nước); (4) tiền lãi; (5) thu nhập từ lương hưu; (6) các thu nhập khác (giải thưởng bằng tiền hoặc hiện vật, tiền thưởng do trúng sổ xố, trò chơi cá cược, phí người sử dụng từ bản quyền, quyền sử dụng các sản phẩm trí tuệ, thu nhập từ chuyển nhượng quyền khai thác khoáng sản, đánh cá, quyền sở hữu công nghiệp, bí mật công nghiệp, thông tin cá nhân, thương hiệu và quyền khai thác nước dưới lòng đất…).
Theo đó, các nước thường có quy định mang tính nguyên tắc để đảm bảo tính bao quát đối với các khoản thu nhập khác (hay thu nhập có tính chất bất thường) của cá nhân.
Tại Việt Nam, theo Bộ Tài chính, với sự đa dạng nguồn gốc thu nhập của cá nhân gắn với mục tiêu, yêu cầu mở rộng cơ sở thuế, cần rà soát bổ sung quy định về thu nhập chịu thuế theo hướng bổ sung nhóm thu nhập khác (đồng thời giao Chính phủ quy định chi tiết cho phù hợp với tình hình thực tế) hoặc quy định cụ thể các khoản thu nhập khác là thu nhập chịu thuế.
Đánh giá tác động việc bổ sung quy định về thu nhập chịu thuế, Bộ Tài chính cho rằng, việc mở rộng cơ sở thuế bảo đảm điều tiết thuế đối với các nguồn thu nhập của cá nhân, bảo đảm bao quát nguồn thu đối với các hoạt động kinh tế mới phát sinh.