Theo Viện Thống kê và nghiên cứu kinh tế quốc gia Pháp (Insee), tỷ lệ lạm phát tại Pháp trong năm 2022 đứng ở mức 5,2% và là cao nhất trong gần 40 năm qua, trong đó tăng mạnh nhất là lĩnh vực năng lượng và lương thực thực phẩm.
Trong báo cáo công bố mới đây, Viện Thống kê và Nghiên cứu kinh tế quốc gia Pháp (Insee) cho biết, mức lạm phát tại Pháp đã tăng hơn gấp 3 lần trong năm qua, từ 1,6% năm 2021 lên 5,2% năm 2022 và là cao nhất trong 40 năm qua. Năng lượng là lĩnh vực ghi nhận mức lạm phát tăng cao nhất với 23,1%, tiếp đến là nhóm các mặt hàng lương thực thực phẩm với 6,8% và sau đó là các sản phẩm chế biến và dịch vụ tăng khoảng 3%.
Ảnh minh họa: Reuters |
Nguyên nhân chính khiến lạm phát tăng cao bắt nguồn từ cuộc xung đột tại Ukraine, dẫn đến các biện pháp trừng phạt kinh tế trả đũa lẫn nhau giữa Nga và phương Tây khiến giá năng lượng bùng nổ, khi luôn đứng ở mức trên dưới 30% trong 6 tháng đầu năm 2022.
Theo Viện Insee, ngay cả khi loại bỏ các yếu tố lạm phát tạm thời trong giá dầu, khí đốt hay thực phẩm thì tỷ lệ lạm phát cơ bản tại Pháp năm 2022 vẫn ở mức trung bình 3,9%, tăng mạnh so với năm 2021 là 1,1%. Viện Insee cũng cảnh báo dù tỷ lệ lạm phát đang có dấu hiệu giảm nhẹ với 5,9% trong tháng 12/2022 nhưng hoàn toàn có thể tăng cao trở lại lên mức 7% trong hai tháng đầu năm 2023, trong đó tăng mạnh nhất vẫn là lĩnh vực năng lượng. Lý do chính đến từ việc các biện pháp lá chắn năng lượng đã bị bãi bỏ từ đầu năm 2023 và giá điện cùng khí đốt sẽ được phép tăng trần thêm 15% kể ngày 1/2/2023. Ngoài ra phải kể đến sự tăng giá của các mặt hàng lương thực thực phẩm và thuốc lá.
Ngân hàng Trung ương Pháp trước đó cũng đã đưa ra các dự báo về kinh tế vĩ mô nhấn mạnh lạm phát tại Pháp có thể lập đỉnh mới trong quý 1/2023, dao động từ 7-8%, trước khi giảm dần trong những tháng cuối năm và đứng ở mức trung bình 4% trong cả năm 2023.
Trong khi đó, Uỷ ban châu Âu (EC) dự báo tỷ lệ lạm phát tại Pháp năm 2023 là 4,4%, và nằm trong số ít quốc gia có mức lạm phát thấp hơn mức lạm phát trung bình dự báo là 6,1% của khu vực đồng euro, nhất là so với nền kinh tế lớn khác trong khu vực như Đức (7,5%), Italy (6,6%) hay các nước Trung và Đông Âu với trên dưới 10%. Theo Cơ quan này, mục tiêu khống chế lạm phát ở mức 2% mà Ngân hàng Trung ương châu Âu đặt ra sẽ khó có thể đạt được trước năm 2025./.
(theo VOV)
https://vov.vn/the-gioi/lam-phat-tai-phap-nam-2022-tang-ky-luc-sau-gan-40-nam-post996450.vov