- Vương quốc Bỉ là đối tác thương mại lớn thứ 6 của Việt Nam trong EU (sau Hà Lan, Đức, Pháp, Italia, Áo). Giai đoạn trước khi đại dịch Covid-19 bùng phát, kim ngạch thương mại song phương luôn duy trì tốc độ tăng trưởng tốt từ 6-10%/năm và ghi nhận mức sụt giảm 10% năm 2020. Sang năm 2021, thương mại hai chiều đã tăng manh lên đến 53,8% so với năm 2020, đạt 4,29 tỷ USD, trong đó xuất khẩu tăng 55,7% so với năm 2020, đạt 3,6 tỷ USD; nhập khẩu tăng hơn 44,7%. 10 tháng đầu năm 2022 thương mại hai chiều đạt 4,068 tỷ USD, trong đó xuất khẩu của Việt Nam sang Bỉ đạt hơn 3,4 tỷ USD, tăng hơn 25% so với cùng kỳ năm 202, nhập khẩu đạt 622,8 triệu USD.
Ảnh minh họa |
Cơ cấu mặt hàng xuất nhập khẩu giữa hai nước không cạnh tranh mà mang tính bổ sung cho nhau. Tuy Bỉ là một thị trường nhỏ nhưng quan hệ thương mại giữa Việt Nam và Bỉ ở mức cao so với nhiều nước EU và châu Âu khác, đặc biệt là xuất khẩu của Việt Nam do hàng hóa từ Việt Nam được vào Bỉ để đưa sang các nước Tây Âu khác (cảng Antwerp của Bỉ là một trong những hải cảng trung chuyển hàng hóa lớn ở châu Âu). Quan hệ giữa các tổ chức kinh tế trung ương, địa phương, ngành của Việt Nam với 3 vùng Wallonie, Flanders và Bruxelles được tăng cường và mở rộng.
Việt Nam và Bỉ ký Hiệp định Khuyến khích và Bảo hộ Đầu tư ngày 24/01/1991. Tính đến 10/2022, Vương quốc Bỉ có 82 dự án đầu tư còn hiệu lực tại Việt Nam với tổng vốn đầu tư đăng ký đạt 1,1 tỷ USD, đứng thứ 23/139 quốc gia và vùng lãnh thổ có đầu tư tại Việt Nam và đứng thứ 6/24 quốc gia thành viên EU có đầu tư tại Việt Nam. FDI của Bỉ chủ yếu vào các lĩnh vực cấp nước và xử lý rác thải với 02 dự án có tổng vốn 409 triệu USD, chiếm 37,3% tổng vốn đầu tư đăng ký; đứng thứ hai là lĩnh vực kinh doanh bất động sản với 03 dự án có tổng vốn đầu tư 372 triệu USD, chiếm 33,9% tổng vốn đầu tư; đứng thứ ba là lĩnh vực công nghiệp chế biến, chế tạo với 25 dự án, tổng vốn đầu tư đạt 229,8 triệu USD, chiếm 20,9 tổng vốn đầu tư. Còn lại là các dự án thuộc các ngành, lĩnh vực khác như dịch vụ lưu trú, sản xuất phân phối điện, khí nước điều hòa, nông lâm nghiệp, thủy sản...
Các nhà đầu tư Bỉ đã đầu tư tại 16/63 tỉnh, thành phố của Việt Nam. Dẫn đầu là thành phố Hải Phòng với 09 dự án, tổng vốn đăng ký 420 triệu USD, chiếm 38,3% tổng vốn đầu tư đăng ký. Thành phố Hà Nội đứng thứ hai có 13 dự án, tổng vốn đăng ký 321 triệu USD, chiếm 29,3% tổng vốn đầu tư đăng ký. Thứ ba là tỉnh Quảng Ngãi với 01 dự án, tổng vốn đăng ký 125 triệu USD, chiếm 11,4% tổng vốn đầu tư đăng ký. Tiếp theo là Phú Thọ, Bắc Ninh, Bình Dương.
Trong khi đó, tính đến nay các doanh nghiệp Việt Nam mới đầu tư sang Vương Quốc Bỉ 04 dự án với tổng vốn đầu tư 12,6 triệu USD trong lĩnh vực công nghiệp chế biến, chế tạo.
Bỉ cũng là thị trường hàng nông sản đứng thứ 4/28 nước EU của Việt Nam, nhất là thủy sản và cà phê. Các đối tác Bỉ đã triển khai nhiều chương trình hợp tác kỹ thuật với Việt Nam thông qua Quỹ Nghiên cứu và Tư vấn Việt – Bỉ, hợp tác giữa Học viện Nông nghiệp Việt Nam và Cộng đồng các trường Đại học khối pháp ngữ của Bỉ. Hai bên đã trở thành Đối tác chiến lược về nông nghiệp chuyến thăm chính thức Bỉ của Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc tháng 10/2018.
Hiện nay, Việt Nam và Bỉ đang triển khai nhiều chương trình hợp tác kỹ thuật giữa các trường, viện nghiên cứu nông nghiệp; phát triển hệ thống hậu cần đường thủy phục vụ xuất khẩu nông sản từ Việt Nam sang châu Âu; công nghệ khử mặn, kinh tế nông nghiệp tuần hoàn, nông nghiệp thông minh; thúc đẩy triển khai chuỗi logistics lạnh thông minh, hợp tác phát triển ngành cacao, an toàn thực phẩm…
Ngoài ra, Việt Nam có hợp tác với Chính phủ Wallonie-Bruxelles về nông nghiệp thông qua Ủy ban Hỗn hợp Thường trực giữa hai bên. Các hoạt đông hợp tác ưu tiên giai đoạn 2022-2024 gồm: Hỗ trợ giảm thiểu sử dụng các chất kháng sinh trong việc nuôi tôm ở đồng bằng Sông Cửu Long ; Tăng cường năng lực quản lý và nghiên cứu trong chuỗi giá trị nông nghiệp tại tỉnh Trà Vinh ; Nâng cao năng lực đào tạo và nghiên cứu để làm giảm nhẹ tác động của biến đổi khí hậu ở vùng cát ven biển miền Trung…