- Bloomberg hôm qua (20/12) đưa tin mức giá trần khí đốt mà EU đã nhất trí thông qua trong tuần này có thể gây ra một cuộc khủng hoảng năng lượng sâu sắc hơn và khiến khối này rơi vào tình trạng thiếu nguồn cung khí đốt.
Tờ Bloomberg dẫn lời các nhà phân tích từ Golden Sachs cho biết cái gọi là “cơ chế điều chỉnh thị trường” nhằm bảo vệ các doanh nghiệp và hộ gia đình trong Liên minh Châu Âu (EU) khỏi “giá khí đốt quá cao” trên thực tế có thể kích cầu và dẫn đến tình trạng khan hiếm trầm trọng hơn đối với nguồn cung khí đốt cho châu Âu.
Theo nguồn tin từ Bloomerg, nhu cầu ngày càng tăng sẽ gây áp lực lên nguồn cung toàn cầu và có thể buộc các nhà chức trách EU phải phân phối khí đốt trong trường hợp xấu nhất. Sự can thiệp của EU vào lĩnh vực năng lượng cũng có thể khiến khu vực này phải đối mặt với sự cạnh tranh mạnh mẽ hơn từ châu Á khi nhu cầu ở Trung Quốc phục hồi với việc nới lỏng các hạn chế do Covid-19.
Các nhà kinh tế cảnh báo rằng, với mức giá trần đối với khí đốt vừa được thông qua, các nhà nhập khẩu châu Âu có thể gặp khó khăn trong việc đảm bảo nguồn cung khí đốt tự nhiên hóa lỏng (LNG) vì các nhà cung cấp sẽ ưu tiên châu Á nếu giá ở đó cao hơn. EU và châu Á đang cạnh tranh cho các lô hàng LNG, với giá thiết lập mức cao kỷ lục trên cả hai thị trường vào đầu năm nay. Sự cạnh tranh khốc liệt có thể trở nên tồi tệ hơn khi hàng hóa đến từ cùng một nhà xuất khẩu, chẳng hạn như Mỹ và Qatar.
Nhu cầu LNG ở châu Á đã tăng lên trong những tuần gần đây do người mua đang đổ xô tích trữ khí đốt để cung cấp vào cuối mùa đông.
Hôm thứ Hai, các Bộ trưởng Năng lượng của EU đã đồng ý đặt mức giá trần khí đốt bán buôn ở mức 180 euro/ megawatt giờ (MWh). Mức giá này sẽ được kích hoạt nếu hợp đồng tương lai khí đốt tự nhiên trên sàn TTF của Hà Lan vượt quá mức giá trần đã đặt ra trong ba ngày. Giới hạn này sẽ có hiệu lực từ ngày 15 tháng 2.