- Đại biểu Quốc hội đề nghị Ban soạn thảo Luật Giao dịch điện tử nghiên cứu phương thức mới trong giải quyết tranh chấp giao dịch thông qua hợp đồng điện tử cho phù hợp với xu thế phát triển công nghệ và Cách mạng 4.0 trên thế giới.
Phát biểu thảo luận cho dự án Luật, Đại biểu Dương Tấn Quân - Đoàn ĐBQH tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu nêu rõ: Luật Giao dịch điện tử năm 2005 được xem là luật khung quy định những vấn đề kỹ thuật đặc thù phát sinh trong môi trường điện tử.
Sau 16 năm thực hiện, luật đã có những đóng góp tích cực đối với phát triển kinh tế xã hội, tạo hành lang pháp lý hỗ trợ ứng dụng công nghệ thông tin.
Tuy nhiên, do tác động của cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư, chuyển đổi số diễn ra mạnh mẽ, nhu cầu giao dịch điện tử đã bùng phát trong tất cả các lĩnh vực. Phương thức giao dịch có nhiều thay đổi với sự xuất hiện ngày càng nhiều các nền tảng số làm trung gian cho các giao dịch điện tử trực tuyến đòi hỏi phải có khung pháp lý phù hợp, đáp ứng với nhu cầu thực tế.
Do đó, việc Quốc hội xem xét sửa đổi toàn diện luật để khắc phục những bất cập, tồn tại, hạn chế của luật hiện hành là yêu cầu cấp thiết và phù hợp với thực tiễn.
Bày tỏ thống nhất với bố cục của dự thảo luật gồm 8 Chương, 57 Điều, vừa có kế thừa các quy định của Luật Giao dịch điện tử năm 2005, đồng thời sửa đổi, bổ sung những vấn đề vướng mắc trong thực tiễn, đại biểu đề nghị cơ quan soạn thảo cần rà soát kỹ các nội dung của luật để đảm bảo phù hợp, toàn diện với các cam kết trong Hiệp định thương mại tự do (FTA), Hiệp định đối tác toàn diện và tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP).
Về an toàn thông tin và an ninh mạng trong giao dịch điện tử, đại biểu tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu đề nghị cơ quan soạn thảo bổ sung, dẫn chiếu Điều 53 của dự thảo luật đến Luật Công nghệ thông tin để thực hiện một cách thống nhất.
Đại biểu Trần Chí Cường - Đoàn ĐBQH Tp. Đà Nẵng đề nghị cơ quan soạn thảo nghiên cứu về việc kiểm soát dữ liệu của các tổ chức, doanh nghiệp. Bên cạnh đó là cần có quy định về các hành vi bị cấm như làm làm lộ, lọt thông tin của cá nhân trong giao dịch điện tử.
Đại biểu Trần Chí Cường nhấn mạnh: Trong giao dịch điện tử, dữ liệu là yếu tố quan trọng nhất bao gồm việc quy định quyền và nghĩa vụ của người tạo ra dữ liệu, quyền của người sử dụng dữ liệu, các quyền và nghĩa vụ liên quan đến việc sử dụng dữ liệu. Do vậy, Đại biểu đề nghị cơ quan soạn thảo nghiên cứu bổ sung nhằm đảm bảo cơ sở pháp lý cho việc giải quyết các tranh chấp liên quan đến sử dụng, khai thác, phân tích, kinh doanh các dịch vụ liên quan đến dữ liệu được tạo ra trong các giao dịch điện tử. Bên cạnh đó, vấn đề bảo vệ thông tin cá nhân trên không gian mạng cần được quan tâm.
Theo đại biểu Trần Chí Cường đề nghị cơ quan soạn thảo nghiên cứu quy định vào Điều 8 về các hành vi bị cấm như: hành vi làm lộ, lọt thông tin cá nhân khi chưa được sự cho phép hoặc thỏa thuận với tổ chức, cá nhân có hoạt động giao dịch điện tử.
ĐBQH Thạch Phước Bình |
Đại biểu Thạch Phước Bình - Đoàn ĐBQH tỉnh Trà Vinh đề nghị Ban soạn thảo nghiên cứu kỹ lưỡng, tham khảo kinh nghiệm quốc tế để quy định hợp lý về phạm vi điều chỉnh, nhằm đảm bảo tính bao trùm tất cả các giao dịch điện tử trên thực tế, tạo sự ổn định của hệ thống pháp luật.
Đối với quy định về xử lý vi phạm pháp luật trong giao dịch thông qua hợp đồng điện tử, đại biểu tỉnh Trà Vinh đề nghị bổ sung quy định về hành vi vi phạm để áp dụng hình thức xử lý, như kỷ luật, truy tố trách nhiệm hình sự đối với cá nhân, đình chỉ hoạt động với các cơ quan, tổ chức.
Đại biểu cũng cho rằng cần nghiên cứu phương thức mới trong giải quyết tranh chấp giao dịch thông qua hợp đồng điện tử cho phù hợp với xu thế phát triển công nghệ và Cách mạng 4.0 trên thế giới.
Đại biểu Nguyễn Thị Mai Hoa - Đoàn ĐBQH tỉnh Đồng Tháp thì bày tỏ băn khoăn thực hiện giao dịch điện tử như thế nào với nhóm dịch vụ công trực tuyến chưa triển khai được ở mức 3, mức 4.
Đặc biệt, Đại biểu Mai Hoa lo ngại một số thông tin liên quan đến bí mật nhà nước, an ninh, quốc phòng, bí mật công tác bí mật kinh doanh có thể có nguy cơ lộ lọt bị chiếm đoạt khi thực hiện giao dịch điện tử. “Vậy thì có hợp lý không khi đưa hết tất cả vào phạm vi điều chỉnh và nếu đưa vào thì cần phải kèm theo những điều kiện nào.?” – ĐB tỉnh Đồng Tháp nêu ý kiến.
Đại biểu Nguyễn Thị Mai Hoa đề nghị Ban soạn thảo tiếp tục nghiên cứu kỹ lưỡng về điều kiện thực tiễn của Việt Nam, kinh nghiệm quốc tế. Để từ đó cân nhắc việc mở rộng phạm vi điều chỉnh của dự thảo Luật và lộ trình thực hiện để bảo đảm tính khả thi.
Đại biểu Võ Mạnh Sơn (Thanh Hóa) phân tích, việc giải quyết tranh chấp sẽ được thực hiện ở các cơ quan giải quyết tranh chấp nếu các bên có tranh chấp, trong đó có tranh chấp về giá trị pháp lý của chữ ký điện tử. Cơ quan giải quyết tranh chấp nên dựa vào độ tin cậy của phương tiện điện tử để ra quyết định mà không cần các cơ quan nhà nước công nhận.
ĐB Võ Mạnh Sơn đề nghị các cơ quan soạn thảo bổ sung quy định theo hướng cho phép các bên trong hoạt động thương mại được tự thỏa thuận về việc sử dụng chữ ký điện tử nước ngoài hoặc chứng thư chữ ký điện tử nước ngoài, trong trường hợp đó chữ ký điện tử nước ngoài vẫn có giá trị xác nhận giao dịch giữa các bên. Việc sử dụng chữ ký điện tử nước ngoài trong các hợp đồng thương mại cho mục đích giao dịch với các cơ quan nhà nước vẫn phải thực hiện theo quy định và công nhận chữ ký điện tử ở trên.
ĐB Sơn cũng đề nghị các cơ quan soạn thảo cân nhắc nâng cấp toàn bộ quy định về dịch vụ chứng thực hợp đồng điện tử tại Nghị định số 52 lên thành dịch vụ chứng thực dữ liệu điện tử, đồng thời xác định rõ bộ chuyên ngành quản lý dịch vụ này để phù hợp với các nguyên tắc, việc ban hành điều kiện kinh doanh phải tiết kiệm thời gian, chi phí tuân thủ cho nhà đầu tư…