- Nền kinh tế toàn cầu sẽ tránh được suy thoái trong năm tới nhưng cuộc khủng hoảng năng lượng tồi tệ nhất kể từ những năm 1970 sẽ gây ra sự sụt giảm mạnh kinh tế toàn cầu, trong đó châu Âu bị ảnh hưởng nặng nề nhất, Tổ chức Hợp tác và Phát triển Kinh tế (OECD) đã nhận định như vậy đồng thời cho biết thêm rằng cuộc chiến chống lạm phát nên là ưu tiên hàng đầu của các nhà hoạch định chính sách.
Theo Tổ chức Hợp tác và Phát triển Kinh tế, triển vọng của các quốc gia là rất khác nhau. Mặc dù vậy, nền kinh tế của Anh sẽ tụt hậu so với các nền kinh tế lớn khác.
OECD dự báo rằng tăng trưởng kinh tế thế giới sẽ chậm lại từ 3,1% trong năm nay - cao hơn một chút so với dự đoán của OECD trong các dự báo hồi tháng 9 - xuống 2,2% vào năm tới, trước khi tăng tốc trở lại lên mức 2,7% vào năm 2024.
"Chúng tôi sẽ không dự đoán một cuộc suy thoái, nhưng chúng tôi chắc chắn đang dự báo về một giai đoạn suy yếu rõ rệt trong nền kinh tế toàn cầu”, người đứng đầu OECD Mathias Cormann đã cho biết như vậy tại một cuộc họp báo được tổ chức để trình bày báo cáo về Triển vọng kinh tế mới nhất do OECD đánh giá.
Tổ chức Hợp tác và Phát triển Kinh tế cho biết tình trạng sụt giảm tăng trưởng toàn cầu đang tác động không đồng đều lên các nền kinh tế, trong đó châu Âu phải chịu gánh nặng nhiều nhất khi cuộc chiến của Nga ở Ukraine ảnh hưởng đến hoạt động kinh doanh và khiến giá năng lượng tăng vọt.
OECD dự báo rằng nền kinh tế của 19 quốc gia thuộc khu vực đồng tiền chung Châu Âu (euro) sẽ tăng trưởng 3,3% trong năm nay, sau đó giảm xuống 0,5% vào năm 2023 trước khi phục hồi để mở rộng 1,4% vào năm 2024. Con số này tốt hơn một chút so với triển vọng được OECD hồi tháng 9. Khi đó, OECD ước tính mức tăng trưởng cho khu vực này là 3,1% trong năm nay và 0,3% vào năm 2023.
Tổ chức Hợp tác và Phát triển Kinh tế (OECD) dự đoán mức co hẹp 0,3% trong năm tới đối với đầu tầu kinh tế Đức của Châu Âu. Nền kinh tế Đức có nền công nghiệp phụ thuộc nặng nề vào nhập khẩu năng lượng từ Nga. Mức dự đoán trên đã ít nghiêm trọng hơn rất nhiều so với mức giảm 0,7% được dự báo vào tháng 9.
Ngay cả ở châu Âu, triển vọng của các nền kinh tế cũng rất khác nhau, với nền kinh tế Pháp, vốn ít phụ thuộc vào khí đốt và dầu mỏ của Nga, dự kiến sẽ tăng 0,6% trong năm tới. Nền kinh tế Italia được dự báo đạt mức tăng trưởng 0,2%.
Bên ngoài khu vực đồng euro, nền kinh tế Anh được cho là sẽ giảm 0,4% trong năm tới do phải đối mặt với việc tăng lãi suất, lạm phát gia tăng và niềm tin suy yếu. Trước đó, OECD đã dự kiến mức tăng trưởng 0,2%.
Nền kinh tế Mỹ được dự báo sẽ cầm cự tốt hơn, với tốc độ tăng trưởng dự kiến sẽ chậm lại từ 1,8% trong năm nay xuống 0,5% vào năm 2023 trước khi tăng lên 1,0% vào năm 2024. Trước đó, OECD dự kiến nền kinh tế lớn nhất thế giới chỉ tăng trưởng 1,5% trong năm nay và dự báo cho năm 2023 không thay đổi.
Trung Quốc, không phải là thành viên của OECD, là một trong số ít các nền kinh tế lớn dự kiến sẽ tăng trưởng trong năm tới, sau làn sóng phong tỏa do COVID. Tăng trưởng ở đó đã tăng từ 3,3% trong năm nay lên 4,6% vào năm 2023 và 4,1% vào năm 2024, so với các dự báo trước đó là 3,2% vào năm 2022 và 4,7% vào năm 2023.
Khi chính sách tiền tệ thắt chặt hơn có hiệu lực và áp lực giá năng lượng giảm bớt, lạm phát ở các nước OECD được dự đoán sẽ giảm từ hơn 9% trong năm nay xuống còn 5,1% vào năm 2024.
Người đứng đầu OECD Mathias Cormann cho biết: “Về chính sách tiền tệ, việc thắt chặt hơn nữa là cần thiết ở hầu hết các nền kinh tế phát triển và ở nhiều nền kinh tế thị trường mới nổi để giữ vững kỳ vọng về lạm phát”.