- Tại Tọa đàm “Sân bay nhỏ cho kinh tế địa phương cất cánh” do Báo Đầu tư tổ chức ngày 11/10, các chuyên gia kinh tế trong và ngoài nước đều nhấn mạnh sự cần thiết phải bổ sung vào Quy hoạch tổng thể phát triển hệ thống cảng hàng không, sân bay toàn quốc thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050 thêm các dự án mới tại các địa phương.
Nhu cầu giao thương và đi lại tăng rất mạnh sau đại dịch Covid-19 cho thấy nhu cầu phải nâng cấp các sân bay hiện hữu và đầu tư các sân bay mới đang trở thành vấn đề cấp bách. Theo dự báo của Hiệp hội Vận tải hàng không quốc tế (IATA), tới năm 2035, hàng không Việt Nam sẽ phục vụ tới 136 triệu hành khách, gấp đôi số lượng dự kiến cho cả năm 2022 là 70-80 triệu lượt hành khách.
Hiện cả nước có 22 cảng hàng không đang hoạt động, trong đó nhiều cảng hàng không trong nước đã phải khai thác vượt công suất công bố như tại các nhà ga hành khách nội địa sân bay Côn Đảo, Cát Bi, Phú Quốc, Liên Khương, Cam Ranh… Điều này đòi hỏi phải sớm nâng cấp các sân bay hiện hữu cũng như đầu tư thêm các sân bay bay mới.
Bên cạnh sân bay lớn như Long Thành đang được khẩn trương thi công thì cần có thêm các sân bay nhỏ, ngoài phục vụ nhu cầu di chuyển hành khách và hàng hóa, là bộ đệm dự phòng cho các sân bay lớn, còn có ý nghĩa giúp thúc đẩy kinh tế địa phương, phục vụ an ninh quốc phòng cũng như thực hiện các chức năng khác hỗ trợ sản xuất lâm nghiệp, nông nghiệp, phòng chống cháy rừng…
Tại Tọa đàm “Sân bay nhỏ cho kinh tế địa phương cất cánh” do Báo Đầu tư tổ chức, các chuyên gia kinh tế trong và ngoài nước đều nhấn mạnh sự cần thiết phải bổ sung vào Quy hoạch tổng thể phát triển hệ thống cảng hàng không, sân bay toàn quốc thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050 thêm các dự án mới tại các địa phương.
Theo ông Mick Werson, Chuyên gia Kinh tế trưởng NACO - một công ty thuộc Tập đoàn Royal HaskoningDHV, Việt Nam cần tính tới việc quy hoạch hệ thống sân bay theo 3 lớp. Lớp trên cùng là các sân bay trung tâm lớn với lưu lượng hàng năm hơn 20 triệu lượt hành khách, xử lý phần lớn nhu cầu giao thông. Tầng thấp nhất là các sân bay địa phương hoặc cấp ba với ít hơn 1 triệu hành khách hàng năm. Và lớp thứ ba là lớp ở giữa, còn được gọi là lớp cầu nối, giữ vai trò kết nối các sân bay trung tâm và sân bay địa phương. Những sân bay này không chỉ có chức năng như một 'trung chuyển' trực tiếp cho các sân bay lớn trong mạng lưới tối ưu hóa vận tải mà còn là sân bay dự phòng chiến lược trong trường hợp các sân bay lớn bị quá tải. Nói cách khác, các sân bay trung tâm lớn không thể duy trì mạng lưới giá trị và lưu lượng giao thông vượt trội của chúng nếu không có các sân bay nhỏ.
Ông Mick Werson, Chuyên gia Kinh tế trưởng NACO - một công ty thuộc Tập đoàn Royal HaskoningDHV. |
Cũng theo ông Mick Werson, bên cạnh chức năng kết nối, các sân bay nhỏ còn mang theo những ý nghĩa khác. Các sân bay nhỏ với hơn 1 triệu hành khách hàng năm - khi được quản lý hợp lý - có thể tạo ra giá trị kinh tế trực tiếp về lợi nhuận cho các nhà khai thác và nhà đầu tư. Ngoài ra, chúng tạo ra việc làm trực tiếp. Và cuối cùng, chúng tạo ra giá trị kinh tế gián tiếp: giúp thu hút đầu tư và thúc đẩy hoặc hỗ trợ các hoạt động kinh tế (chẳng hạn như du lịch). Theo cách như vậy, các sân bay nhỏ địa phương đã gián tiếp thúc đẩy tạo ra việc làm và nguồn thu từ thuế cho các chính phủ.
“Mặc dù tại mỗi sân bay có một đặc thù khác nhau và có nhiều yếu tố cần được xem xét, nhưng xét chung, mỗi sân bay quy mô 1 triệu hành khách hàng năm tạo ra 1.000 việc làm trực tiếp và gián tiếp”, ông Mick Werson cho biết.
Cũng tại Tọa đàm, các chuyên gia và lãnh đạo địa phương cũng đề cập tới những vấn đề liên quan như công tác quy hoạch cấp trung ương và địa phương, vấn đề khai thác hiệu quả đất đai dành cho hạ tầng hàng không, kết nối vùng, kinh nghiệm thu hút đầu tư vốn xã hội hóa trong và ngoài nước vào hạ tầng hàng không, bài học thành công của mô hình đầu tư PPP với sân bay Vân Đồn (Quảng Ninh) và thực tiễn đầu tư sân bay Sapa (Lào Cai)…
Phạm Lê