Cuộc đua lãi suất huy động của các ngân hàng tiếp tục “nóng” khi hàng loạt ngân hàng điều chỉnh tăng lãi suất.
Ngân hàng tăng lãi suất huy động |
HNM cho biết, theo thống kê mới nhất, lãi suất tiết kiệm cao nhất thuộc về Ngân hàng TMCP Sài Gòn (SCB) với mức lãi suất lên tới 8,9% cho kỳ hạn 36 tháng. Tiếp theo là Ngân hàng TMCP An Bình (ABBank) với 8,8%/năm cho kỳ hạn 13 tháng dành cho khách hàng gửi từ 500 tỷ đồng và nhận lãi cuối kỳ.
Trước đó, Ngân hàng TMCP Đông Nam Á (SeABank) cũng ra mắt sản phẩm Chứng chỉ tiền gửi kỳ hạn 18 tháng với lãi suất 8,55%/năm.
Lãi suất tiền gửi trên ngân hàng số Cake by VPBank của Ngân hàng TMCP Việt Nam Thịnh vượng (VPBank) ở kỳ hạn 36 tháng lên đến 8,2%/năm cho món gửi trên 300 triệu đồng.
Ngân hàng TMCP Bản Việt phát hành chứng chỉ tiền gửi với lãi suất 8,4%/năm kỳ hạn 18 tháng, lĩnh lãi cuối kỳ, chỉ với mức tiền gửi từ 10 triệu đồng. Như vậy, lãi suất huy động đã tiến sát mốc 9%/năm.
Tại khối ngân hàng thương mại nhà nước, lãi suất cũng ở mức cao hơn so với trước. Trong đó, tại Ngân hàng TMCP Ngoại thương Việt Nam (Vietcombank), Ngân hàng TMCP Công thương Việt Nam (VietinBank), Ngân hàng TMCP Đầu tư và Phát triển Việt Nam (BIDV) và Ngân hàng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Việt Nam (Agribank), lãi suất kỳ hạn 1 tháng là 4,1%/năm; 4 tháng: 4.4%/năm; 6 - 9 tháng: 4,7 - 4,8%/năm; từ 12 tháng trở lên: 6,4%/năm.
Do lãi suất huy động tăng nên hầu hết các ngân hàng thương mại đều phải điều chỉnh tăng lãi suất cho vay. Hiện, mức điều chỉnh thấp nhất là ở khối ngân hàng thương mại có vốn nhà nước. Theo đó, lãi suất cho vay doanh nghiệp tăng 0,1-0,5%/năm, lãi suất cho vay cá nhân tăng dưới 1%/năm, riêng lãi suất cho vay lĩnh vực ưu tiên vẫn ổn định.
Ở khối ngân hàng thương mại cổ phần, lãi suất cho vay doanh nghiệp tăng tới 0,5-1%/năm. Riêng lãi suất cho vay cá nhân tăng 2-4%/năm so với đầu năm, chủ yếu là cho vay mua nhà, mua xe. Hiện lãi suất cho vay mua nhà, mua xe giai đoạn thả nổi của các ngân hàng thương mại cổ phần tư nhân phổ biến ở mức 12,5-14,5%/năm.
Theo các chuyên gia, lãi suất cho vay tăng theo lãi suất huy động là bình thường. Dư địa giữ ổn định mặt bằng lãi suất chỉ nằm ở nhóm ngân hàng có vốn nhà nước, vốn chiếm khoảng 40% thị phần hệ thống hiện nay. Thực tế, lãi suất cho vay của nhóm ngân hàng lớn vẫn đang khá ổn định.
Ông Nguyễn Quốc Hùng, Tổng thư ký Hiệp hội Ngân hàng Việt Nam cũng thừa nhận, không thể yêu cầu ngân hàng thương mại phải giữ nguyên mặt bằng lãi suất cho vay trong bối cảnh lãi suất huy động tăng. Dù vậy, trong lúc này, các ngân hàng cũng cần tăng lãi suất cho vay ở mức độ phù hợp để chia sẻ cùng khách hàng.
Lãi suất ngân hàng nào cao nhất?
Vnecomomy cho biết, hiện tại, mức lãi suất trên 8%/năm cho sản phẩm chứng chỉ tiền gửi đã xuất hiện ở các ngân hàng như SCB, ABBank, SeABank, Cake by VPBank, Bản Việt…
Tuy nhiên, đối với sản phẩm gửi tiết kiệm thông thường tại quầy hoặc qua hình thức online, mức lãi suất trên 8%/năm không còn xuất hiện ở quá nhiều ngân hàng. Đồng thời, do nhiều ngân hàng thay đổi biểu lãi suất nên bảng xếp hạng lãi suất tiết kiệm cao nhất trong tháng 10/2022 cũng có sự xáo trộn so với tháng trước.
Dẫn đầu danh sách là SCB với mức lãi suất cao nhất lên tới 8,9%/năm áp dụng đối với các khoản tiền gửi trực tuyến kỳ hạn 36 tháng. Ngoài ra, mức lãi suất này cũng được ngân hàng áp dụng cho sản phẩm chứng chỉ tiền gửi kỳ hạn 24 tháng.
Tiếp đến là ABBank với mức lãi suất 8,6%/năm. Lãi suất này nằm trong chương trình "Tiết kiệm thu sang – Gửi tiền phát lộc" của ngân hàng. Theo đó, khi khách hàng mở mới tài khoản tiết kiệm với giá trị bất kỳ tại hệ thống quầy giao dịch của ABBANK theo kỳ hạn 15 tháng sẽ hưởng lãi suất lên tới 8,6%/năm.
Mức lãi suất 8,6/năm cũng xuất hiện tại Kienlongbank khi khách hàng gửi tiền trực tuyến. Đáng chú ý, mặc dù đưa mức lãi suất cao nhưng ngân hàng này không có đính kèm bất cứ điều kiện nào về số tiền gửi tối thiểu, mà chỉ yêu cầu về thời hạn gửi trên 12 tháng.
Lãi suất huy động cao nhất VPBank áp dụng với các khoản tiền gửi tại quầy là 7,8%/năm cho kỳ hạn 36 tháng và giá trị tối thiểu 50 tỷ đồng. Hay như HDBank áp dụng mức lãi suất 7,65%/năm cho kỳ hạn 13 tháng và giá trị 300 tỷ đồng trở lên.
Ngoài ra, khách hàng có thể cân nhắc lựa chọn gửi tiền ở một số ngân hàng khác cũng có lãi suất tiết kiệm tương đối cạnh tranh như DongABank (7,6%/năm); OCB (7,55%/năm); Techcombank (7,5%/năm); CBBank (7,5%/năm); MB (7,4%/năm); BacABank (7,4%/năm); VietBank (7,3%/năm); Saigonbank (7,3%/năm); SeaBank (7,3%/năm); OceanBank (7,2%/năm); NCB (7,15%/năm)… Tuy nhiên, các ngân hàng này đều có những tiêu chuẩn riêng để đạt được mức lãi suất như trên, chứ không cào bằng cho mọi khoản tiền gửi.
Riêng tại 4 ngân hàng thương mại nhà nước gồm Vietcombank, Agribank, BIDV và Vietinbank, lãi suất ngân hàng đồng loạt tăng mạnh thêm 0,8 điểm phần trăm so với tháng trước. Cả 4 ngân hàng này cùng huy động tiền gửi với lãi suất cao nhất là 6,4%/năm.
Trước đó, Ngân hàng Nhà nước công bố kết quả của cuộc điều tra xu hướng kinh doanh của các tổ chức tín dụng quý 4. Đối tượng là toàn bộ các ngân hàng trong nước và chi nhánh ngân hàng nước ngoài tại Việt Nam với tỉ lệ trả lời đạt 96%.
Theo đó, có tới 59 - 61% ngân hàng kỳ vọng lãi suất tăng bình quân 0,37%/năm trong quý 4. Cả năm 2022, có 66 - 69% ngân hàng kỳ vọng lãi suất tăng bình quân 0,56 - 0,57%/năm.
Theo Tuổi trẻ, các ngân hàng chỉ đưa ra mức kỳ vọng như trên vì cuộc khảo sát diễn ra từ ngày 25-8 đến ngày 10-9, tức trước thời điểm Ngân hàng Nhà nước tăng các mức lãi suất điều hành vào ngày 23-9.
Trên thực tế từ sau thời điểm 23-9, các ngân hàng đã tăng mạnh lãi suất huy động, lên mức cao nhất gần 9%/năm vào thời điểm hiện nay, nhất là với sản phẩm chứng chỉ tiền gửi.
(HNM, Vneconomy, Tuổi trẻ)