Thị trường lại bị cuốn vào một đợt bán hạ giá mới, dù áp lực tổng thể là không mạnh. Bất lợi chính là các blue-chips lớn giảm quá nhiều, tập trung trong nhóm cổ phiếu tài chính ngân hàng, bất động sản, với TCB, HDB, NVL, VHM, VIC là tâm điểm...
Vneconomy cho biết, thị trường sáng 11/10 lại bị cuốn vào một đợt bán hạ giá mới, dù áp lực tổng thể là không mạnh. Bất lợi chính là các blue-chips lớn giảm quá nhiều, tập trung trong nhóm cổ phiếu tài chính ngân hàng, bất động sản, với TCB, HDB, NVL, VHM, VIC là tâm điểm.
TCB là cổ phiếu duy nhất trong nhóm ngân hàng và duy nhất trong nhóm blue-chips giảm chạm sàn 6,98 điểm. Hiện TCB còn dư mua giá sàn 387.400 cổ. Trụ VN30 này đã giảm tới 26,2% chỉ trong tháng 10, còn nếu tính từ đầu tháng 9 đã bốc hơi tới gần 38,4% giá trị. TCB bị bán tháo cực mạnh và đang dẫn đầu toàn thị trường về thanh khoản, với 9,98 triệu cổ tương đương 242,3 tỷ đồng khớp lệnh.
HDB cũng thuộc nhóm giảm mạnh nhất trong ngân hàng, rơi 5,03%. Khá may là HDB nhỏ trong VN-Index nhưng lại lớn trong VN30-Index. Trong rổ VN30, HDB cũng thuộc nhóm 5 mã giảm mạnh nhất và toàn là các cổ phiếu ngân hàng. Tính từ đầu tháng 10, HDB cũng đã bốc hơi 16,2% giá trị.
Chỉ số đại diện nhóm cổ phiếu tài chính trên HoSE là VNFIN chốt phiên sáng nay giảm 4,17%. Trong 27 mã ngân hàng ở các sàn thì duy nhất VBB đang tăng 1,14% nhưng mã này cũng mới giao dịch có 441 cổ phiếu, thanh khoản quá ít để có thể tin cậy về giá. 25/27 mã ngân hàng đang giảm từ 1% giá trị trở lên, trong đó 18 mã giảm từ 3% trở lên. Nhóm chứng khoán có VIX, ORS đang giảm sàn, 29 mã khác giảm từ 3% trở lên.
Nhóm bất động sản với VNREAL đang lao dốc 3,97% với loạt cổ phiếu giảm sàn như NVT, DRH, KBC, HDC, HAG. Trong các mã blue-chips, NVL giảm sốc 4,45%. Từ đầu tháng 10 tới giờ, NVL đã bốc hơi 14% giá trị. NVL cũng bị bán tháo rất mạnh, thanh khoản 1,44 triệu cổ tương đương 106 tỷ đồng, nằm trong số 8 mã duy nhất của 3 sàn đạt thanh khoản trên 100 tỷ.
Chỉ số VN30-Index đại diện nhóm blue-chips sàn HoSE đang giảm 3,65% với duy nhất GAS còn tăng 0,19% và VNM tham chiếu. Các trụ lớn nhất cũng giảm cực mạnh là VIC giảm 4,15%, VHM giảm 3,53%, MWG giảm 4,2%, GVR giảm 4,14%, HPG giảm 3,27%. Top 5 cổ phiếu giảm nhiều nhất rổ VN30 toàn là ngân hàng: TCB, TPB, STB, VIB, HDB và mã giảm nhẹ nhất là HDB cũng mất 5,03% giá trị.
Thị trường tiêu cực rất nhanh sau phiên phục hồi nỗ lực chiều qua. Ngay từ khi mở cửa, VN-Index đã rơi thẳng và độ rộng tốt nhất cũng chỉ có 91 mã tăng/225 mã giảm. Càng về cuối phiên độ rộng càng hẹp lại, chốt phiên HoSE chỉ còn 52 mã tăng/400 mã giảm, với 16 mã giảm sàn, 184 mã giảm từ 2% trở lên và 43 mã khác giảm trong khoảng 1%-2%.
Lực bán sáng nay khó kiểm chứng vì giá giảm rất sâu chủ yếu do không có cầu. Thiếu tiền mua nên những ai muốn bán phải hạ giá liên tục, nhưng thanh khoản rất kém. Tổng giao dịch khớp lệnh hai sàn niêm yết phiên sáng giảm tới 31% so với sáng hôm qua, chỉ còn 4.389 tỷ đồng. HoSE giảm giao dịch 30%, còn 4.068 tỷ đồng. Hiện các mã giảm sàn mất thanh khoản hầu hết là không có sức ảnh hưởng nhiều. Dư mua trong nhóm blue-chips vẫn còn tốt, chỉ ở mức giá rất sâu.
Nhóm ngược dòng sáng nay cũng rất ít cổ phiếu có giao dịch đủ tin cậy. Đáng kể chỉ có HSG tăng 1,98% giao dịch 80,9 tỷ đồng; IDI tăng 1,94% giao dịch 37,8 tỷ; BAF tăng 1,83% giao dịch 46,6 tỷ; DGW tăng 1,66% giao dịch 43,2 tỷ; DPM tăng 1,6% giao dịch 84,4 tỷ; DCM tăng 1,34% thanh khoản 91,5 tỷ...
Khối ngoại đang ghi nhận bán ròng 103,2 tỷ đồng. Tổng giá trị bán ở HoSE đạt 573,8 tỷ, mua vào 470,6 tỷ. HPG đang bị bán nhiều nhất với 34,8 tỷ ròng, NVL -28,4 tỷ, VND -20,9 tỷ, VHM -15,5 tỷ. Phía mua có DPM +13,8 tỷ, VIC +13,5 tỷ, VNM +11,6 tỷ.
chứng khoán lao dốc không phanh |
Ủy ban Kinh tế: Thị trường chứng khoán, bất động sản, trái phiếu biến động lớn, nhiều hệ lụy
Theo báo Tuổi trẻ, báo cáo của Chính phủ tại phiên họp Ủy ban Thường vụ Quốc hội sáng ngày 11/10 cho biết, với tín dụng bất động sản, thị trường chứng khoán gần đây biến động lớn, các mã cổ phiếu của nhiều doanh nghiệp kinh doanh bất động sản giảm mạnh, ảnh hưởng tới giá trị tài sản bảo đảm bằng cổ phiếu của nhiều doanh nghiệp tại một số tổ chức tín dụng.
Thị trường bất động sản biến động mạnh, tình trạng thổi giá, gây sốt ảo bất động sản, đấu giá đất với giá cao bất thường… ảnh hưởng tới cấp tín dụng, định giá tài sản bảo đảm của tổ chức tín dụng.
Bên cạnh đó, cấp tín dụng với bất động sản là đầu tư dài hạn nhưng vốn huy động chủ yếu là ngắn hạn. Đồng thời chênh lệch kỳ hạn và lãi suất giữa nguồn vốn và cho vay với lĩnh vực này là rủi ro lớn đối với các ngân hàng.
Số dư đầu tư trái phiếu doanh nghiệp của các tổ chức tín dụng vào trái phiếu doanh nghiệp với mục đích xây dựng, kinh doanh bất động sản những năm gần đây có xu hướng tăng dần.
Tình hình diễn biến thị trường trái phiếu doanh nghiệp vừa qua xảy ra một số hiện tượng tiêu cực, việc đầu tư vào trái phiếu doanh nghiệp của tổ chức tín dụng còn tiềm ẩn nhiều rủi ro...
Thẩm tra báo cáo của Chính phủ, Ủy ban Kinh tế của Quốc hội nhận xét, thị trường chứng khoán có tốc độ tăng trưởng nhanh, là kênh huy động vốn trung - dài hạn cho nền kinh tế, song biến động và tiềm ẩn rủi ro.
Cơ quan thẩm tra cho rằng quy mô thị trường trái phiếu doanh nghiệp ngày càng được mở rộng nhưng có giai đoạn tăng nóng, cơ cấu thị trường còn thiếu cân đối, chất lượng phát hành trái phiếu doanh nghiệp riêng lẻ chưa cao.
Thị trường này cũng tồn tại hiện tượng sử dụng vốn huy động qua phát hành trái phiếu doanh nghiệp riêng lẻ sai mục đích, thiếu minh bạch.
Dẫn chứng vụ việc xảy ra tại Công ty cổ phần Tập đoàn đầu tư An Đông (liên quan vụ việc chủ tịch Tập đoàn Vạn Thịnh Phát Trương Mỹ Lan bị bắt) và các tổ chức cùng những vụ việc khác liên quan tới thị trường trái phiếu trong năm, Ủy ban Kinh tế đánh giá đã gây nhiều hệ lụy với phát triển bền vững thị trường vốn, xã hội, gây mất niềm tin của người dân, nhà đầu tư.
Có ý kiến đề nghị cần làm rõ trách nhiệm của các cơ quan quản lý nhà nước khi để xảy ra sự việc như vậy.
Cơ quan thẩm tra đề nghị Chính phủ cần có đánh giá thận trọng, chính xác về mức độ ảnh hưởng, để có giải pháp phù hợp, bảo đảm sự phát triển an toàn, lành mạnh, bền vững của thị trường tiền tệ, vốn.
Rủi ro liên thông giữa thị trường vốn với hệ thống các tổ chức tín dụng và thị trường bất động sản gia tăng.
Có ý cho rằng điều hành, quản lý nhà nước đối với các thị trường này còn "chuyển trạng thái đột ngột", có những ảnh hưởng nhất định đến thị trường và niềm tin của nhà đầu tư.
Đề nghị cần nhận diện những rủi ro, có các giải pháp cụ thể để vừa bảo đảm an toàn, vừa thúc đẩy sự phát triển của các thị trường, phục vụ tăng trưởng và phát triển kinh tế.
Chứng khoán Mỹ đỏ lửa
Theo Zing.vn, chứng khoán Mỹ và giá vàng đồng loạt lao dốc trong phiên giao dịch đầu tuần. Nỗi sợ bao trùm Phố Wall khi các báo cáo, con số quan trọng được công bố trong tuần này.
Kết thúc phiên giao dịch ngày 10/10, chỉ số Nasdaq thiên về công nghệ của Mỹ đã đóng cửa ở mức thấp nhất kể từ tháng 7/2020. Nhóm cổ phiếu bán dẫn và công nghệ của Mỹ chịu sức ép sau khi Washington công bố quy định kiểm soát xuất khẩu, hạn chế bán sản phẩm bán dẫn và thiết bị sản xuất sang Trung Quốc.
Cùng với đó là lo ngại của nhà đầu tư về việc lãi suất tăng cao.
"Mỹ đang bước vào một tuần quan trọng. Báo cáo lạm phát, biên bản cuộc họp của Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) và doanh số bán lẻ sẽ được công bố trong tuần này", ông Craig Erlam - chuyên gia phân tích thị trường cấp cao có trụ sở ở London - bình luận với Zing.
"Phiên giao dịch đầu tuần cho thấy thị trường đang lo lắng về những gì sẽ xảy ra trong vài ngày tới", ông nói thêm.
Trong phiên 10/10, chỉ số trung bình công nghiệp Dow Jones giảm 93,91 điểm, tương đương 0,32%, về 29.202 điểm; trong khi chỉ số S&P 500 mất 27,27 điểm, tương đương 0,75%.
Bà Lael Brainard - Phó chủ tịch Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) - cho rằng chính sách tiền tệ thắt chặt của Mỹ đang phát huy tác dụng. Điều này khiến nền kinh tế hàng đầu thế giới có thể giảm tốc tăng trưởng nhanh hơn dự kiến.
"Nhưng tác động của việc Fed tăng lãi suất sẽ không được thể hiện rõ ràng trong nhiều tháng tới", bà nói thêm.