- Theo các chuyên gia đến từ các tập đoàn, doanh nghiệp quốc tế tham dự tọa đàm "Why Vietnam" trong khuôn khổ Tuần lễ số quốc tế (VIDW) 2022 diễn ra chiều 12/10, Việt Nam đang có nhiều lợi thế để phát triển kinh tế số mạnh mẽ.
Trong khuôn khổ Tuần lễ Số quốc tế (Viet Nam International Digital Week) và hưởng ứng Ngày Chuyển đổi số quốc gia 10.10, Bộ Thông tin và Truyền thông tổ chức Toạ đàm Why Viet Nam 2022 với chủ đề “Kinh tế số Việt Nam chủ động hợp tác và hội nhập quốc tế”. Mục tiêu của chương trình nhằm thúc đẩy hợp tác và đầu tư nước ngoài trong quá trình phát triển kinh tế số ở Việt Nam.
Việt Nam đã ban hành Chiến lược Kinh tế số và Xã hội số với mục tiêu kinh tế số chiếm 20% GDP vào năm 2025 và 30% vào năm 2030. Chiến lược khẳng định kinh tế số là động lực tăng trưởng mới, là sự chuyển đổi từ chủ yếu là kinh tế số dựa trên ICT sang dựa trên kinh tế số ngành, là sự nhấn mạnh vai trò của các nền tảng số Việt Nam, là sự thay đổi thể chế để chấp nhận các mô hình kinh doanh mới.
Các đại biểu tham gia tọa đàm chiều 12/10 |
Hợp tác và hội nhập quốc tế đem lại cho các quốc gia những nguồn lực, cơ hội phát triển nền kinh tế đó là thị trường, công nghệ, nguồn vốn và kinh nghiệm quản lý. Nhìn lại những giai đoạn trước, chủ động hợp tác và hội nhập quốc tế đã trở thành tư duy chiến lược giúp Việt Nam thành công trong công cuộc số hóa mạng lưới viễn thông và đưa Internet vào Việt Nam.
Việt Nam có gần 1 triệu doanh nghiệp, 5 triệu hộ kinh doanh cá thể, 9 triệu hộ nông dân, 26 triệu hộ gia đình và quy mô dân số 100 triệu dân. Tất cả đều đang đứng trước cuộc chuyển dịch lên môi trường số. Kinh tế số Việt Nam là một thị trường rộng lớn và năng động cho các doanh nghiệp nước ngoài hợp tác và kinh doanh. Trong quá trình phát triển kinh tế số ở Việt Nam, các doanh nghiệp công nghệ số đóng vai trò trung tâm. Việt Nam có nhiều doanh nghiệp công nghệ số mạnh, sáng tạo, hiểu biết sâu sắc về văn hóa và thị trường trong nước.
Chia sẻ tại tọa đàm, ông Hoàng Anh Tú, Phó Vụ trưởng Vụ Hợp tác Quốc tế - Bộ TT&TT, cho biết trên thế giới đã có nhiều quốc gia ban hành chiến lược phát triển kinh tế số, xã hội số như Vương Quốc Anh, Hàn Quốc, Nhật Bản, Thái Lan… Về mặt xu hướng và định hướng công nghệ, các chiến lược có sự tương đồng giữa các nước. Tuy nhiên, nghiên cứu kỹ, chiến lược phát triển kinh tế số của Việt Nam có những nét đặc trưng và cách tiếp cận riêng, tạo con đường cho Việt Nam phát triển kinh tế số.
Ông Hoàng Anh Tú, Phó Vụ trưởng Vụ Hợp tác Quốc tế - Bộ TT&TT chia sẻ tại tọa đàm |
Còn ông Thiều Phương Nam, Tổng Giám đốc Qualcomm Việt Nam, Lào và Campuchia đánh giá, Việt Nam đã là trung tâm lớn của khu vực và thế giới về thiết kế, sản xuất thiết bị công nghệ. Ngành công nghệ đang đóng góp lớn cho lĩnh vực kinh tế số.
Là tập đoàn đa quốc gia, Qualcomm đã có mặt ở Việt Nam hơn 20 năm. Trong quá trình hoạt động tại Việt Nam, một trong những nhiệm vụ nổi bật là thúc đẩy đổi mới sáng tạo của Việt Nam. Hiện Qualcomm đã, đang hợp tác với các nhà mạng tại Việt Nam xây dựng hạ tầng kết nối 5G để thúc đẩy các chương trình "Make in Vietnam", chuyển đổi số quốc gia.
Theo ông Thiều Phương Nam, để Việt Nam tiến sâu hơn trong chuỗi giá trị công nghệ thế giới, việc thúc đẩy đổi mới sáng tạo là nhiệm vụ quan trọng. Để thực hiện mục tiêu chuyển đổi số, đưa được chuyển đổi số vào các ngành đóng góp phát triển kinh tế số Việt Nam thì xây dựng hạ tầng kết nối 5G rất quan trọng, là nền tảng giúp cho các doanh nghiệp Việt Nam trong quá trình chuyển đổi số, đổi mới sáng tạo. Và đây cũng là mục tiêu của Qualcomm để hỗ trợ các doanh nghiệp Việt triển khai cho 5G thành công.
Ông Thiều Phương Nam, Tổng Giám đốc Qualcomm Việt Nam, Lào và Campuchia |
Để phát triển kinh tế số, theo bà Annabel Lee, Giám đốc Chính sách Khu vực châu Á - Thái Bình Dương của Amazon Web Services (AWS), khi các công ty đẩy mạnh tốc độ áp dụng điện toán đám mây thì đây là cơ hội hợp tác số cho Việt Nam. Bà Annabel Lee cũng chia sẻ, hiện có nhiều doanh nghiệp quan tâm đến Việt Nam. Việt Nam có thể phát triển kinh tế số mạnh mẽ bằng cách tạo niềm tin số, tham vấn doanh nghiệp, chủ động và có những chương trình đi tắt đón đầu phát triển kinh tế số.
Nêu khía cạnh đóng góp thương mại điện tử vào kinh tế số, bà Vũ Minh Tú, Giám đốc đối ngoại Lazada cho biết, thương mại điện tử sẽ hướng tới sự phát triển bền vững hơn. "Khi thương mại điện tử không còn xa lạ với người tiêu dùng nữa thì yêu cầu đòi hỏi của khách hàng sẽ cao hơn. Và doanh nghiệp thương mại điện tử làm sao phải đáp ứng yêu cầu cao đó. Lazada hướng tới sự phát triển hệ sinh thái bền vững, mang lại trải nghiệm tốt nhất cho người bán và người mua hàng".
Bà Vũ Minh Tú, Giám đốc đối ngoại Lazada |
Đánh giá cao nỗ lực của Chính phủ liên quan đến chính sách về kinh tế số, bà Bùi Kim Thuỳ, đại diện cấp cao tại Việt Nam, Hội đồng kinh doanh Hoa Kỳ - ASEAN tin tưởng trong thời gian tới Việt Nam là là nơi mà các tập đoàn, doanh nghiệp công nghệ đặt văn phòng đại diện, sản xuất, R&D.
Đề xuất với cơ quan quản lý trong phát triển kinh tế số, đại diện Hội đồng kinh doanh ASEAN - Hoa Kỳ cho biết, cộng đồng doanh nghiệp mong muốn các chính sách có tính liên tục, ổn định, dễ dự đoán. Đặc biệt cần có sự đồng nhất trong quản lý từ Trung ương đến địa phương, không để xảy ra một số quy định liên quan đến phòng dịch Covid-19 làm ảnh hưởng đến kinh doanh. Các doanh nghiệp cũng mong muốn chính sách được ban hành phải thiên về phục vụ sự phát triển, thay cho kiểm soát.
Phạm Lê