- Tháng trước, khi các giám đốc kinh doanh Đức biết được thông tin về đề xuất của Bộ Kinh tế Đức trong việc sàng lọc và giám sát tất cả các khoản đầu tư của các công ty Đức vào Trung Quốc như một phần của một loạt các biện pháp mới, họ đã thực sự tức giận.
Một nguồn tin trong Bộ Kinh tế Đức và một lãnh đạo doanh nghiệp của Đức đã nói với Reuters rằng đề nghị nói trên sẽ sớm bị bác bỏ.
Bức xúc vì không được tham vấn đầy đủ về các đề xuất khiến cho hoạt động kinh doanh của họ với Trung Quốc trở nên kém hấp dẫn hơn và có thể gây ra hậu quả lớn cho chính các công ty Đức, các lãnh đạo doanh nghiệp cấp cao ở Đức sau đó đã bác bỏ đề xuất trong cuộc họp với Bộ trưởng Kinh tế Robert Habeck.
Hiện tại, chưa có kết luận nào được đưa ra sau cuộc họp diễn ra vào ngày 21/9 đó. Tuy nhiên, hai trong số những người tham gia cuộc họp đã kể lại tình hình và họ cho biết đã có sự tức giận trong phòng họp trước nỗ lực của chính phủ Đức trong việc điều chỉnh lại mối quan hệ với Trung Quốc.
Các giám đốc điều hành tham dự cuộc họp bao gồm giám đốc điều hành của tập đoàn hóa chất khổng lồ BASF, Deutsche Bank và tập đoàn công nghiệp Siemens, hai nguồn tin cho biết. Các công ty từ chối bình luận về thông tin nói trên.
Bộ Kinh tế Đức từ chối bình luận khi được hỏi về cuộc họp. Bộ Kinh tế Đức từ lâu đã ủng hộ đường lối cứng rắn hơn đối với Trung Quốc và Bộ trưởng Habeck hồi tháng trước cho biết Đức sẽ áp dụng cách tiếp cận cứng rắn hơn về thương mại với Trung Quốc.
Đề xuất sàng lọc đầu tư được Bộ Kinh tế Đức đưa ra là do mong muốn hạn chế chuyển giao một số công nghệ và tránh sự phụ thuộc ngày càng tăng của Đức và Trung Quốc trong một số lĩnh vực.
Ông Markus Jerger, người đứng đầu Hiệp hội Mittelstand, một phần của liên minh đại diện cho hơn 900.000 doanh nghiệp vừa và nhỏ hình thành trụ cột của nền kinh tế lớn nhất châu Âu, cho biết: “Chúng ta chỉ có thể cảnh báo rằng Đức không được quay lưng lại với Trung Quốc. Làm gián đoạn các hoạt động của nền kinh tế Đức tại Trung Quốc, như Bộ Kinh tế muốn, hoặc đang cố gắng làm, là một cách sai lầm”.