- Tỷ phú Ấn Độ Gautam Adani – người hiện đang giàu nhất Châu Á, mới đây đã nhận định rằng Trung Quốc “sẽ ngày càng cảm thấy bị cô lập” và “nước dẫn đầu về toàn cầu hóa” này sẽ khó có thể phục hồi sau thời kỳ kinh tế suy yếu.
Tỷ phú Ấn Độ Gautam Adani |
Phát biểu tại một hội nghị ở Singapore mới đây, ông Adani cho rằng, “chủ nghĩa dân tộc gia tăng, việc giảm thiểu rủi ro chuỗi cung ứng và những giới hạn về công nghệ” cũng như sự chống đối đối với sáng kiến Vành đai và Con đường khổng lồ của Bắc Kinh, sẽ tác động đến vai trò toàn cầu của Trung Quốc.
Người đàn ông giàu nhất châu Á nói rằng, “rủi ro về nhà ở và tín dụng” ở Trung Quốc - nền kinh tế lớn thứ hai thế giới cũng đang dẫn đến “sự so sánh với những gì đã xảy ra với nền kinh tế Nhật Bản trong ‘thập kỷ mất mát’ những năm 1990”.
Những phát biểu trên được tỉ phú Adani đưa ra chưa đầy một tháng sau khi ông này trở thành người giàu thứ ba thế giới theo Chỉ số Tỷ phú Bloomberg. Tỉ phú Adani là người châu Á đầu tiên giành được vị trí này.
Người sáng lập Tập đoàn Adani đang nắm trong tay các công ty khác nhau, từ cảng biển đến năng lượng.
Trong khi bi quan về nền kinh tế Trung Quốc, ông Adani vẫn lạc quan về nền kinh tế của đất nước mình. Ông này đã nhận định rằng Ấn Độ là “một trong số ít những điểm sáng tương đối xét từ góc độ triển vọng chính trị, địa chiến lược và thị trường”.
Tỉ phú Adani dự đoán Ấn Độ sẽ trở thành nền kinh tế lớn thứ ba thế giới vào năm 2030, với “số lượng tầng lớp trung lưu lớn nhất mà thế giới từng thấy”.
Một số công ty công nghệ đang tìm cách giảm sự phụ thuộc của họ vào các hoạt động sản xuất ở Trung Quốc và những công ty này đang coi Ấn Độ là một lựa chọn thay thế hấp dẫn.
Hôm thứ Hai đầu tuần (26/9), hãng Apple đã ra thông báo nói rằng họ đã bắt đầu sản xuất iPhone 14 mới tại Ấn Độ. Động thái này diễn ra trong bối cảnh gã khổng lồ về công nghệ này đang tìm cách đa dạng hóa chuỗi cung ứng của họ. Trong khi tập đoàn Apple sản xuất phần lớn các sản phẩm của họ ở Trung Quốc thì gần đây họ đã quyết định bắt đầu tiến hành các hoạt động sản xuất những sản phẩm, thiết bị mới nhất của họ ở Ấn Độ sớm hơn nhiều so với các thế hệ sản phẩm trước. Các doanh nghiệp có thể sẽ tìm cách rời bỏ khỏi Trung Quốc không chỉ bởi vì các hạn chế nghiêm ngặt trong chính sách chống đại dịch Covid-19 – một chính sách vốn đã gây ảnh hưởng lớn đến chuỗi cung ứng trong nhiều tháng nay, mà còn vì căng thẳng gia tăng giữa Washington và Bắc Kinh về vấn đề Đài Loan. Mỹ đang liên tục có những hành động thách thức Trung Quốc trong vấn đề Đài Loan và Bắc Kinh đang có những động thái đáp trả mạnh mẽ.
Chính phủ Mỹ đã ra lệnh cho hai nhà sản xuất chip hàng đầu của Mỹ ngừng bán chip hiệu suất cao cho Trung Quốc vào đầu tháng này. Và, tuần trước, lãnh đạo các ngân hàng lớn nhất của Mỹ cho biết họ có thể rút khỏi Trung Quốc nếu nước này tấn công Đài Loan.
Tỉ phú Adani cũng đề cập đến những thách thức mà Vương quốc Anh và các nước trong Liên minh Châu Âu (EU) phải đối mặt vì cuộc chiến ở Ukraine và Brexit.
“Mặc dù tôi kỳ vọng tất cả các nền kinh tế này sẽ điều chỉnh theo thời gian và phục hồi trở lại nhưng động lực cho sự hồi phục có vẻ khó hơn rất nhiều,” ông Adani cho hay.